Bà Đinh Thị Hồng (45 tuổi, ngụ xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) phải chạy thận nhân tạo từ 3 năm nay. Bà Hồng chỉ phải chi trả 5% chi phí điều trị do bà thuộc diện hộ nghèo và có thẻ BHYT. Nhưng để xoay đủ 600 ngàn đồng chạy thận nhân tạo mỗi tháng vẫn là quá khó đối với một người không còn đủ sức khỏe lao động như bà.
Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi tuần ba lần, bà Hồng phải đi xe buýt từ Bưng Riềng lên Bệnh viện Bà Rịa để chạy thận nhân tạo. Trước đó, khi Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chạy thận nhân tạo, bà Hồng phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị, chi phí mỗi tháng lên tới hơn 10 triệu đồng do bà chưa tham gia BHYT. Không có việc làm, con còn nhỏ dại, chồng cũng đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, gia đình bà Hồng trở nên khánh kiệt. 3 năm nay, bà Hồng được cấp thẻ BHYT hộ nghèo, nhưng khoản tiền 5% cùng chi trả vẫn là gánh nặng khó kham nổi và bà đã mất sức lao động hoàn toàn.
Đa số bệnh nhân lọc thận nhân tạo đều có thẻ BHYT. Tuy nhiên, dù được chia sẻ chi phí từ quỹ BHYT, bệnh nhân và gia đình vẫn phải chịu gánh nặng không nhỏ. Thông thường, khi đến giai đoạn lọc thận nhân tạo, bệnh nhân gần như không còn đủ sức khỏe để lao động, phải dựa vào người thân. Chưa kể, nhiều bệnh nhân còn phải có người thân đi kèm để chăm sóc mỗi lần lọc thận nhân tạo. Trường hợp của bà Hồng, được quỹ BHYT thanh toán đến 95% vẫn phải chi phí thêm bình quân mỗi tháng khoảng 600 ngàn đồng, chưa kể chi phí đi lại. Những bệnh nhân khác, đa phần phải cùng chi trả 20% tổng chi phí, bình quân mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Số tiền này trở thành gánh nặng quá lớn đối với những bệnh nhân không còn sức lao động và phải điều trị bệnh đến suốt đời.
Bác sĩ Châu Thị Trúc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, hầu hết, bệnh nhân lọc thận nhân tạo đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì vậy càng dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Đối với suy thận giai đoạn cuối, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu nên cần phải được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng tốt, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên bệnh nhân lọc thận nhân tạo không bảo đảm được điều này.
Còn bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Lê Lợi thì cho biết, do bệnh viện tỉnh chưa triển khai kỹ thuật nối thông động mạch cho bệnh nhân lọc thận nhân tạo và đặt catheter cho bệnh nhân thẩm phân phúc mạc nên bắt buộc bệnh nhân phải lên tuyến trên. Sau khi đã được phẫu thuật để làm các kỹ thuật trên, bệnh nhân được chuyển về tuyến tỉnh (Bệnh viện Bà Rịa hoặc Bệnh viện Lê Lợi) để tiếp tục điều trị. Vậy nhưng, có bệnh nhân dù được chuyển tuyến vẫn trì hoãn việc phẫu thuật vì quá khó khăn. Như trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Lan Hương (phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) bị suy thận giai đoạn cuối kèm theo bệnh xơ gan đã được chuyển lên tuyến trên từ 3, 4 tháng trước để nối thông động mạch trước khi lọc thận nhân tạo nhưng bệnh nhân từ chối vì không có tiền. Gần đây, bệnh nhân buộc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân phù nề, thiếu máu trầm trọng. Bệnh nhân chỉ mong muốn được cấp thẻ BHYT để chữa bệnh. Nếu không, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng bế tắc, phó mặc bệnh tật. Bệnh nhân Lê Thị Lan Hương còn cho biết, cả 3 con đang tuổi ăn học cũng đành phải ở nhà vì mẹ bệnh tật, chỉ dựa vào cha với nghề thợ hàn, thu nhập chưa tới 5 triệu đồng/tháng.
Trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Tống Giang, 31 tuổi, ngụ tại phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cũng không mấy khấm khá hơn, khi mỗi tháng phải chi đến 5 triệu đồng để lọc thận nhân tạo. Không đủ sức khỏe để lao động kiếm tiền, lại phải chi phí cho lọc thận nhân tạo, trong khi chồng chị Giang làm thợ hồ, thu nhập không cao, lại phải lo cho cả mẹ già, 2 con nhỏ. Chị Giang phải nhờ đến đến sự giúp đỡ, cưu mang của bà con, chòm xóm.
Trên thực tế, dù có khá giả đến mấy, nếu gia đình có người phải lọc thận nhân tạo thì kinh tế cũng dễ rơi vào sa sút. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân lọc thận nhân tạo đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí, nhiều người trước khi bị bệnh còn là lao động chính. Vì vậy, dù có BHYT tự nguyện, bệnh nhân vẫn phải gồng gánh bình quân không dưới 20 triệu đồng/năm cho chi phí cùng chi trả 20%. Sở Y tế đã từng có cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm đưa ra phương án hỗ trợ cho bệnh nhân lọc thận nhân tạo, ít nhất là được chi trả đến 95% chi phí điều trị. Tuy nhiên, đến nay, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện và bệnh nhân lọc thận nhân tạo vẫn phải đối mặt với khó khăn từ chi phí điều trị.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu