Mỹ công bố hướng dẫn mới trong việc điều trị bệnh nhân Ebola
Cập nhật lúc 15:00, Thứ ba, 21/10/2014 (GMT+7)
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan trên đất Mỹ, ngày 20/10, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC) đã công bố một hướng dẫn mới nghiêm ngặt hơn dành cho các nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola. (nhân viên y tế, dịch bệnh Ebola, WHO, virus Ebola)
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan trên đất Mỹ, ngày 20/10, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC) đã công bố một hướng dẫn mới nghiêm ngặt hơn dành cho các nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola.
|
|
Trao đổi với báo giới, Giám đốc CDC, bác sỹ Thomas Frieden, cho biết hướng dẫn mới này yêu cầu các nhân viên y tế biết phải được huấn luyện về cách sử dụng thành thạo trang phục bảo hộ để có thể bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Khác với bản hướng dẫn cũ chỉ yêu cầu nhân viên y tế đeo khẩu trang và cho phép hở một số khu vực da, bản hướng dẫn mới yêu cầu các nhân viên y tế phải được che kín hoàn toàn phần tóc và da trên cơ thể. Cụ thể, các nhân viên y tế phải mặc áo choàng trùm kín toàn thân, đeo găng tay, khẩu trang và mũ trùm đầu trong quá trình tiếp xúc với người bệnh nhằm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, CDC cũng yêu cầu một nhân viên y tế có kinh nghiệm giám sát trực tiếp quy trình mặc và cởi bỏ trang phục bảo hộ này.
CDC công bố bản hướng dẫn sau khi có hai y tá Mỹ bị nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10 vừa qua tại Mỹ. Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đang được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm điều trị y tế ở Bethesda, bang Maryland, trong khi người còn lại Amber Vinson đang được điều trị tại bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.
Cùng ngày, bệnh viện Đại học Emory cho biết một bệnh nhân Mỹ nhiễm Ebola yêu cầu giấu tên đã được chữa khỏi và xuất viện hôm 19/10. Đây là bệnh nhân Mỹ thứ ba được chữa khỏi Ebola tại bệnh viện này sau hai nhân viên y tế Kent Brantly và Nancy Writebol. Trong khi đó, Na Uy cũng thông báo nữ bác sỹ Silje Michalsen, bị nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone, cũng được xuất viện sau hai tuần được điều trị tại bệnh viện Ulleval ở Oslo.
Liên quan đến nỗ lực đẩy lùi dịch Ebola, Liên hợp quốc ngày 20/10 thông báo đã thành lập Phái bộ phản ứng khẩn cấp chống Ebola (UNMEER) tại thủ đô Accra của Ghana nhằm hỗ trợ nước này dập dịch.
Tại quốc gia "ổ dịch" Sierra Leone, Tổng thống Earnest Bai Koroma bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Paolo Conteh làm Giám đốc điều hành (CEO) Trung tâm quốc gia ứng phó dịch Ebola mới được thành lập nhằm nâng cao khả năng đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Ông Paolo Conteh sẽ có mọi thẩm quyền triển khai các kế hoạch đối phó với dịch Ebola và chịu trách nhiệm phối hợp với các đối tác nhằm nâng cao tính đồng bộ trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ hỗ trợ dập dịch.
Tại Cộng hòa Séc, để ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola, từ 8 giờ ngày 20/10 (tức 1 giờ chiều cùng ngày ở Việt Nam), các sân bay quốc tế của nước này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra an ninh và y tế nghiêm ngặt đối với các hành khách từng lưu lại các nước "ổ dịch" ở Tây Phi trong vòng 42 ngày qua.
Tại bốn sân bay Karlovy Vary, Pardubice, Ostrava và Brno, hành khách sẽ phải nộp lại thẻ đến và được đưa vào kiểm tra ngay nếu phát hiện có nguy cơ nhiễm bệnh. Những hành khách không nộp lại thẻ đến sẽ bị phạt lên tới 500 USD. Giới chức Séc hy vọng biện pháp này sẽ giúp nhanh chóng phát hiện và cách ly kịp thời người nhiễm Ebola.
Số liệu mới nhất do WHO công bố cho thấy dịch Ebola đã làm 4.555 người thiệt mạng trong số 9.216 trường hợp nhiễm bệnh. Liberia, Sierra Leone, Guinea là các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn dịch này./.
Theo Vietnamplus
.