Không chỉ trong giới lao động phổ thông, với những người làm việc bằng trí óc, tình trạng phải đối mặt từng ngày với nỗi lo cơm áo còn kéo dài và thậm chí trầm trọng hơn với con số lên tới hàng triệu người. Đây là một vấn nạn mà nhiều gia đình người lao động Việt Nam đang phải đối mặt.

 


Vì tiền... anh phải chạy rong

Chuyện kiếm tiền thường đi đôi với những đánh đổi không nhỏ, thậm chí có khi phải trả với những cái giá khá đắt. Phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền đồng nghĩa với trạng thái tinh thần, tâm lý căng thẳng, khiến cho thời gian ít ỏi khi họ trở về gia đình cũng khá nặng nề. Bởi khoảng thời gian này không đủ để họ giải tỏa những áp lực của công việc, khi tiếp cận với những vấn đề của gia đình khiến dễ nảy sinh những xung đột.

Một giáo viên ở quận Phú Nhuận, TPHCM kể: Chồng chị làm ở một công ty kinh doanh, khoảng một năm trở lại đây thường xuyên phải làm việc thêm giờ, phần lớn những ngày trong tuần đều trở về nhà sau 8 giờ tối. Mặc dù hàng tháng anh kiếm thêm vào ngân sách gia đình khoảng 5 triệu đồng, nhưng chừng đó là chưa đủ để đánh đổi những trống vắng, thiếu hụt mà anh ấy để lại, với những bữa cơm gia đình không trọn vẹn, những đứa con thiếu bàn tay chăm sóc dạy dỗ nghiêm khắc của cha, còn bản thân chị thì luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm, khi chồng về chẳng được bao lâu, chưa nói trọn vẹn một câu chuyện thì đã ngủ vùi vì quá mệt mỏi. Thế rồi, xung đột gia đình xảy ra khi chị yêu cầu anh giảm bớt giờ làm việc, nhưng anh vẫn “tham công tiếc việc”, không có thời gian để quan tâm tới gia đình, đến mức chị đề nghị ly hôn. Mặc dù chuyện ly hôn chưa xảy ra, nhưng quan hệ vợ chồng luôn trong trạng thái căng thẳng - một kiểu “chiến tranh lạnh” thường thấy trong các gia đình trí thức.

Với những gia đình lao động phổ thông thì bi kịch lại tới theo một cách khác. Hai vợ chồng anh Lưu Thế Tâm đều là công nhân trong khu công nghiệp (Dĩ An, Bình Dương) thường xuyên phải làm tăng ca, không có thời gian chăm sóc 2 đứa con 14 và 10 tuổi. Hàng ngày, các cháu tự đi học, tan học về nhà tự tổ chức sinh hoạt. Nhưng ở gần nhà có một nhóm thanh niên hư hỏng, thường tụ tập hút xách, đã lôi kéo cháu lớn “dùng thử” ma túy. Việc cháu bị nghiện là điều không tránh khỏi, nhưng bị anh chị phát hiện khi cháu về nhà lấy tiền để mua ma túy, còn đứa em thì bị đánh đập mang thương tích chỉ vì “dọa” mách cha mẹ. Những trường hợp này không phải là hiếm ở những xóm trọ công nhân, khi phần lớn cha mẹ phải vùi đầu vào công việc để kiếm tiền, trong khi những đứa trẻ thiếu cả tình cảm lẫn sự kiểm soát của người lớn, dễ dàng sa vào những cạm bẫy vô hình đang giăng ở khắp nơi...
 

Theo Người tiêu dùng

.