Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê, suy đa tạng do nhiễm khuẩn máu nặng.
Mặc dù các bác sĩ đã không ngừng cảnh báo việc ăn tiết canh lợn, vịt, ngan rất nguy hiểm, song lời cảnh báo của bác sĩ về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không thể giúp nhiều người từ bỏ món ăn khoái khẩu này. Để rồi khi nhập viện có người đã ở trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu.
Các bác sĩ BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, BV vừa cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê, suy đa tạng khiến các cơ quan trong cơ thể gần như ngừng hoạt động. Đây là ca bệnh nhiễm khuẩn máu nặng ít gặp tại BV này. Bệnh nhân là anh Đinh Văn K. (41 tuổi, trú tại xã Dân Chủ, Hoành Bồ, Quảng Ninh) nhập viện ngày 26/10. Gia đình anh K. cho biết, sau khi ăn tiết canh lợn anh bắt đầu thấy cơ thể có dấu hiệu khác lạ, sốt cao, tụt huyết áp, cứng cổ, không thể nói, không tự chủ hành vi và hôn mê... Anh K. được gia đình đưa vào BV Bãi Cháy. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc tích cực, BV Bãi Cháy đã làm các xét nghiệm, xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu. Đặc biệt, tuần hoàn tim, phổi, thận gan bị suy chức năng nghiêm trọng dẫn tới hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động.
BS. Lê Kỳ Trường - Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực cho biết, đây là ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh. Bệnh nhân được cho thở máy, siêu lọc máu (lọc máu liên tục), dùng kháng sinh loại mạnh, tích cực phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã phải thay 10 lít huyết tương, làm mới máu, hồi sức cho gan, giảm yếu tố hôn mê cho não. Kết quả, sau 11 ngày điều trị liên tục bằng phác đồ hợp lý, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có thể tự thở. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể nói, đi lại... Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng 2-3 tuần tới.
|
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được cứu sống |
BS. Lê Kỳ Trường cho biết thêm, đây là trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong trong 24-48 giờ nếu không được điều trị kịp thời.
Trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng suy đa tạng, hôn mê vào cấp cứu vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh. Có trường hợp đã tử vong sau khi ăn tiết canh 3 ngày.
Trong tháng 8, một người đàn ông 51 tuổi ở Thanh Hóa sau khi làm thịt con lợn nhà nuôi bị ốm, ông lập tức bị sốt cao, xuất hiện ban hoại tử, nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy gan thận.
BS. Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, được thở máy, chống sốc, lọc máu liên tục.
Theo BS. Cấp, bệnh lây từ lợn sang người gồm ba thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi người bệnh sốt cao (40-410C) xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ,... có thể khó thở, nên đến BV sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.
Theo Sức khỏe & đời sống