Trong quá trình dùng thuốc, một điều đáng lo ngại nhất là thuốc gây hại cho dạ dày, thể hiện dưới nhiều mức độ tổn thương. Nguy hiểm nhất là gặp các tai biến nặng như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày... Chúng ta cần biết để đề phòng và xử lý kịp thời.

 


Thuốc gây viêm loét, xuất huyết dạ dày

Có nhiều loại thuốc có thể gây tai biến ở dạ dày nếu ta sử dụng không đúng, đáng ngại hơn cả là các hormon vỏ thượng thận loại corticoid (có rất nhiều loại thuốc có corticoid mang những tên và biệt dược khác nhau) và các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID) như: aspirin, diclofenac, indomethacin, piroxicam... Trên thực tế, các thuốc NSAID được dùng rất phổ biến. Đây cũng là những thuốc được quảng cáo khắp nơi và có mặt rộng rãi ở các nhà thuốc... nên người dân có thể tự ý mua về dùng. Một trong những tác dụng phụ thường gặp do nhóm thuốc này gây ra là loét dạ dày - tá tràng, chảy máu dạ dày. Các thuốc corticoid có thể gây thủng dạ dày. Các NSAID đều có đặc tính chung là các dẫn chất acid có độ tan kém. Các dẫn chất này khi ở trong môi trường acid của dạ dày lại rất khó tan, sẽ kết tụ thành từng đám trong dạ dày, tinh thể acid trong dạ dày sẽ kích thích trực tiếp gây loét.

Một số thuốc giảm đau dễ gây viêm loét và xuất huyết dạ dày

Aspirin: Đây là thuốc hay dùng nhất trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic. Aspirin có tác dụng giảm đau tốt nên được nhiều người tín nhiệm để uống khi bị sốt cao, nhức đầu, đau răng, đau người, thấp khớp cấp và mạn. Ngoài tác dụng hạ sốt và giảm đau, chống viêm còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, vì vậy thuốc làm giảm quá trình đông máu. Tuy nhiên, đây cũng là thuốc nguy cơ rất cao gây viêm loét dạ dày tá tràng. Lạm dụng thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày.

Ibuprofen: Có trong thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau như alaxan, antidol và thường được kết hợp với paracetamol (thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt) có thể giảm cơn đau nhanh chóng do ức chế sự tổng hợp hay phóng thích prostaglandin. Tuy nhiên, thuốc thường gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Có tới 5 - 15% người bệnh dùng ibuprofen gặp hiện tượng: chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột...

Diclofenac (voltaren, diclofen): Là thuốc giảm đau, chống viêm thường dùng để điều trị các chứng viêm đa khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau lưng... Đây cũng là một trong những thuốc gây loét dạ dày - tá tràng - ruột khá nguy hiểm nếu lạm dụng thuốc.

Indomethacin: Có tác dụng chống viêm, giảm đau, dùng để điều trị đau lưng, viêm dây thần kinh, viêm khớp mạn tính...  Lạm dụng thuốc có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng, ruột, rối loạn đông máu.

Các thuốc meloxicam (mobic, M-cam, camrox); pirocicam (fendene); tenocicam (ticoltil) được dùng trong điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp. Tuy phản ứng có hại gây loét và xuất huyết đường tiêu hóa ít gặp hơn nhưng vẫn là nhóm thuốc có nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng, dùng liều cao kéo dài.

Hạn chế bằng cách nào?

Để khắc phục tác dụng phụ gây loét đường tiêu hóa, các nhà sản xuất đã bào chế ra dạng đặc biệt, đó là viên bao tan trong ruột. Ví dụ như viên aspirin pH8 chẳng hạn. Với dạng bào chế này, thuốc không tan trong dạ dày mà tan ở ruột. Vì vậy sẽ làm giảm tác dụng phụ, tuy nhiên thuốc vẫn gây loét theo cơ chế làm giảm chất nhầy. Ngoài ra, dạng viên sủi hay gói bột hòa tan sẽ giúp thuốc được phân tán đều mà không tích tụ thành đám trong dạ dày giúp hạn chế cơ chế loét trực tiếp.

Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no, sau khi ăn và uống với một cốc nước (khoảng 200 - 250ml). Cần đặc biệt chú ý đây là loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn mà không nên kéo dài. Không tự ý dùng thuốc này nếu không có chỉ định. Nếu bị khó chịu ở dạ dày, nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc ngay sau ăn.


Theo SK&ĐS