Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho trẻ khi nắng nóng
Cập nhật lúc 04:03, Thứ bảy, 25/06/2016 (GMT+7)
Ngày 24/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. ( nắng nóng, truyền nhiễm , Bộ Y tế, dịch bệnh)
Ngày 24/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải.
Đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ bị nhiễm lạnh. Ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.
Ngoài ra, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho mầm bệnh như sốt do virus, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu phát triển, lây lan…
Thời gian qua, nắng nóng khiến nhiều trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính nhập viện điều trị gia tăng.
Trước tình hình trên, nhằm giảm bớt áp lực cho bệnh nhi, người nhà cũng như cán bộ y tế trong những ngày thời tiết nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khám sớm phục vụ bệnh nhi.
Từ khi bắt đầu mùa nắng nóng, bệnh viện làm việc từ 7 giờ (sớm hơn 1 giờ so với giờ làm việc thông thường); duy trì số lượng 45-50 phòng khám đa khoa và chuyên khoa.
Bệnh viện đã huy động và tăng cường bác sỹ, điều dưỡng từ khu nội trú ra Khoa Khám bệnh vào các buổi sáng; tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh…
Đồng thời, bệnh viện huy động nhân viên hành chính, phòng ban chức năng tham gia đội "Tiếp sức người bệnh” cùng với nhân viên phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng của Bệnh viện tiếp đón, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình các thủ tục khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; khám dịch vụ; dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm, siêu âm…
Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tiêm phòng vắcxin đầy đủ để giảm tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm; cho trẻ uống đủ nước, tránh ra trời nắng từ 10-16 giờ hằng ngày.
Mỗi bệnh nhi đến khám tại bệnh viện chỉ nên có 1-2 người nhà đi cùng để tránh hiện tượng ùn tắc cục bộ tại Khoa Khám bệnh vào buổi sáng và trưa.
Để thuận lợi cho bệnh nhi và tránh quá tải tại bệnh viện, nếu trẻ không thực sự trong tình trạng cấp cứu hay bệnh nặng, gia đình nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế địa phương.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp. Các bậc cha mẹ cũng cần sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách (25 - 28 độ C); không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.
Người dân nên ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân nên tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Ngoài ra các gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các gia đình nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá./.
Theo TTXVN/Vietnam+
.