Bước tiến mới trong điều trị ung thư tuyến giáp
Cập nhật lúc 22:19, Thứ ba, 27/01/2015 (GMT+7)
Các bác sĩ BVĐK tỉnh vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo hạch cổ hai bên diện rộng cho một bệnh nhân trẻ tuổi. Thành công từ ca phẫu thuật này là dấu ấn quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp. ( bệnh nhân, tuyến giáp, bệnh viện, ung thư)
Các bác sĩ BVĐK tỉnh vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo hạch cổ hai bên diện rộng cho một bệnh nhân trẻ tuổi. Thành công từ ca phẫu thuật này là dấu ấn quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Hậu, kể lại: “Nghe con bị ung thư tuyến giáp mà tui rụng rời, ba cháu mới mất cách đây 3 năm vì u não. Cả nhà lo quá, muốn đi Sài Gòn xem thế nào, nhưng nhà khó quá nên thôi. Các bác sĩ bảo mổ càng sớm càng tốt, nên sau thời gian chuẩn bị, gia đình quyết định để Hậu được mổ ở đây luôn”.
Ca mổ bắt đầu lúc 8 giờ ngày 22.1, kéo dài đến hơn 12 giờ. Các bác sĩ của khoa Ung bướu đã cắt hoàn toàn tuyến giáp, nạo hạch cổ 2 bên cho bệnh nhân Nguyễn Thị Hậu. Trưởng khoa Ung bướu Nguyễn Minh Trí cho biết phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo 1 bên hạch cổ đã triển khai từ năm 2001 tại BVĐK tỉnh. Đến năm 2012, các bác sĩ mới chính thức thực hiện cắt hoàn toàn tuyến giáp và nạo hạch cổ 2 bên. “Điểm đặc biệt ở ca phẫu thuật chúng tôi thực hiện ngày 22.1 là vùng di căn ở hạch cổ rất rộng. Với nạo hạch cổ diện rộng ở 2 bên, nguy cơ tai biến cao, hậu phẫu khó khăn. Thêm nữa, bệnh nhân còn rất trẻ”, bác sĩ Trí phân tích.
Một ngày sau ca đại phẫu, bệnh nhân Nguyễn Thị Hậu đã uống sữa, nói chuyện được. “Khi biết mình bị ung thư di căn, em cũng hoảng lắm. Giờ mổ xong thì thấy yên tâm hơn rất nhiều”, Hậu nhỏ nhẹ chia sẻ.
Theo một thống kê của khoa Ung bướu, trong 44 bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp được phẫu thuật tại BVĐK tỉnh từ năm 2012 đến năm 2014, nhỏ tuổi nhất là 19 tuổi, cao tuổi nhất là 79 tuổi. Các bác sĩ đã cắt hoàn toàn tuyến giáp cho 32 ca, cắt hoàn toàn tuyến giáp kèm nạo hạch cổ 12 ca (chỉ 3 ca nạo hạch cả 2 bên).
Điểm đáng chú ý là thời gian phát hiện ung thư tuyến giáp cũng như các bệnh lý liên quan đến bướu giáp là khá muộn, trung bình 15,6 tháng kể từ lúc có biểu hiện đầu tiên. Nhiều bệnh nhân bị bướu giáp lành tính phải “nuôi” bệnh trong thời gian dài. Như bệnh nhân Lê Thị Kim Liên (56 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát), được phẫu thuật cắt khối u vào ngày 20.1 vừa qua, sau 8 năm phát hiện bệnh. Lý do mà bà Liên chia sẻ là nhà nghèo quá, không dám đi mổ.
Bên cạnh đó, không dễ để phát hiện các bệnh lý về bướu giáp, bởi các triệu chứng không rõ ràng. Cách đây 1 tháng, chị Mai Thị Thùy Dung (30 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) phát hiện bị bướu giáp nhân lành tính, sau khi mẹ chị nhìn thấy chuyển động lạ ở khu vực cổ mỗi lúc chị Dung nói chuyện, ăn uống. “Cơ thể vẫn bình thường, nhưng chỉ sau 1 tháng, đường kính cục bướu đã tăng từ 26mm lên 30mm. Hoảng quá, tôi vào viện mổ ngay”, chị Dung cho hay.
Mặc dù BVĐK tỉnh đã triển khai điều trị bướu giáp nói riêng và các bệnh liên quan đến bướu giáp từ khá lâu, nhưng lượng bệnh nhân tìm đến các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn còn khá nhiều. Bác sĩ điều trị của khoa Ung bướu Trần Duy Anh tâm tư: “Đến nay, kết quả điều trị bướu giáp của BVĐK tỉnh vẫn chưa được thông tin rộng rãi trong cộng đồng. Nhiều bệnh nhân, nhất là ở khu vực phía Bắc tỉnh, vẫn tìm đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… mỗi khi có chẩn đoán bị bướu giáp”.
Theo Báo Bình Định
.