Thời điểm này, hạn mặn đã ở mức cao điểm, bủa vây hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL. Nguồn nước ngọt bị khan hiếm và thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đe dọa đời sống hơn 10 triệu dân. Bài toán đặt ra là sử dụng và khai thác như thế nào trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày một hiện hữu…

 

 Sóc Trăng tổ chức nhiều điểm cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân.
Sóc Trăng tổ chức nhiều điểm cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân.


Mặn đã lấn sâu hơn 90 km vào nội đồng

Trong khi mực nước ở thượng nguồn sông Mê Kông ngày một sụt giảm thì mực nước biển lại càng dâng cao và lấn sâu hơn vào đất liền 90 km, đe dọa không chỉ đến sản xuất lúa, nông sản, thực phẩm của ĐBSCL mà ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng này. Thống kê của ngành chức năng, đến nay đã có 160.000 ha lúa Đông - Xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại và khoảng 500.000 ha không thể làm được vụ hè thu, bằng 1/3 diện tích lúa toàn vùng phải thay đổi thời vụ, lùi lại chờ mưa.

Đã có trên 200.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt sinh hoạt, phải mua với giá cắt cổ. Người dân các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre phải mua nước sạch với giá từ 37.000 thậm chí lên đến 100.000 đồng/m3.

Tại Bến Tre, khoảng hơn 1 tháng nay, nước máy do Công ty Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre cung cấp cho người dân bị nhiễm mặn khoảng 1,2-1,6‰. Nước của một số nhà máy ở các huyện của tỉnh này có độ mặn cao hơn nên người dân phải mua nước với giá 35.000-40.000 đồng/m3.

TP Cần Thơ chưa bao giờ bị nhiễm mặn, tuy nhiên, đầu  tháng 3, độ mặn đo được cao nhất tại trạm Cái Cui trên sông Hậu (cách bến Ninh Kiều trung tâm TP Cần Thơ khoảng 8km) là 2,03%o.  

Sử dụng nước và giữ nước

Do không lường trước được tình trạng hạn mặn khốc liệt nên nhiều tỉnh thành đã rơi vào thế bị động, buộc phải sử dụng các biện pháp đối phó để cung cấp nước ngọt cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Tại Sóc Trăng để đối phó trước mắt, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trung tâm đã huy động các xe bồn chở nước sạch cấp miễn phí cho hộ nghèo ở các địa phương huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Theo ông Dũng: Xe bồn chở nước ngọt cung cấp miễn phí cho dân chỉ là giải pháp chữa cháy. Chúng tôi đã lắp đặt 3 vòi nước tại ấp Mỹ Thanh của xã Vĩnh Hải để người dân đến lấy nước miễn phí...

Về lâu dài, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đang triển khai bán trả góp 4.000 máy lọc nước cho bà con hai huyện Châu Thành và Mỹ Xuyên. Trung tâm cũng tập trung đấu nối 28.000m đường ống để cung cấp nước sạch cho trên 25.000 gia đình đang sử dụng nước nhiễm mặn. Hiện tỉnh đang khẩn trương lắp đặt đường ống với quyết tâm không để dân thiếu nước sạch kéo dài…

Ở Bến Tre, để đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân, bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thiện đưa vào vận hành sớm một nhà máy nước ngọt với công suất 47.000m3/ngày, Bến Tre đang triển khai phương án chuyển nước ngọt bằng xà lan cho toàn tỉnh, mà trước mắt là cho 3 huyện ven biển là Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại…

Ngoài ra chủ trương của các tỉnh như Bến Tre, Kiên Giang cho khoan giếng nước ngầm tầng nông để tìm nguồn nước ngọt để kịp thời bổ sung nguồn nước ngọt cho người dân. UBND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương khoan ngay 11 giếng nước ngầm ở tất cả các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để cung cấp nước cho người dân.

Đặc biệt về lâu về dài để cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhiều lãnh đạo tỉnh thành vùng ĐBSCL kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, gấp rút triển khai càng sớm càng tốt dự án cấp nước sinh hoạt liên tỉnh vùng ĐBSCL.

Dự án “Cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ Xây dựng phối hợp với các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Với mục tiêu, xây dựng một hệ thống cấp nước đủ công suất, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất của các tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu cho các giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030 phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch chung xây dựng vùng ĐBSCL, đảm bảo an ninh về cấp nước, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường…

 

Theo Đại đoàn kết

.