(BVPL) - Đó là câu chuyện của vợ chồng bác Nguyễn Thanh Hồng và  Phùng Thị Long ở Dương Xá, huyện Gia Lâm. Suốt 10 năm nay, đôi vợ chồng ấy làm công việc gác đường tàu mà không màng công lợi. Họ đã cứu sống nhiều mảnh đời thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc.

 

Đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt
Đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt
 
Từ lâu, đoạn đường dân sinh giữa ga Phú Thụy và ga Lạc Đạo (trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) được xem là điểm “đen” giao thông. Không có barie chắn tàu, không có đèn cao áp, không người gác tàu nên vô cùng nguy hiểm với người dân.
 
Tình nguyện làm barie sống
 
Hình ảnh quen thuộc mà người dân quanh khu vực Dương Xá thường thấy là cặp vợ chồng đã ngoài tứ tuần giơ tay khoát khoát, thỉnh thoảng lại có những hành động khác người khi có ai mải mê băng qua đường tàu mà không để ý đến tử thần đang rình rập sau lưng.
 
Trong quán nước nhỏ liêu xiêu cạnh đường ray xe lửa, bác Hồng (51 tuổi) với khuôn mặt đăm chiêu, chằng chịt dấu ấn thời gian vừa tiếp chuyện với khách nhưng vẫn không quên nhìn đồng hồ xem giờ tàu chạy. Rồi liếc nhanh về phía đường tàu như ngóng chờ chuyến tàu tiếp theo. 
 
Bác có thể đọc vanh vách thời gian tàu nhanh các chuyến (Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại). Thông qua đèn báo hiệu, bác có thể nhận biết đâu là tàu nhanh, đâu là tàu hàng. Theo bác chia sẻ, thì tàu nhanh đèn vàng, tàu hàng đèn xanh.
 
Bác Nguyễn Thanh Hồng (51 tuổi) đã có hơn 10 năm tình nguyện gác tàu
Bác Nguyễn Thanh Hồng (51 tuổi) đã có hơn 10 năm tình nguyện gác tàu
 
Câu chuyện đang vào mạch, bỗng dưng tiếng chuông báo hiệu, coi tàu rú ầm cách đó khoảng 500m. Ngay lập tức bác chạy ra ngoài đường hô hoán, dậm dọa mọi người tránh xa đường tàu. “Tàu đến đấy, đừng sang đường, đứng im đấy, muốn chết à”. Tàu đi qua rồi, bác  đi vào và phân bua: “Cứ phải hò hét, khua tay múa chân thì người ta mới chú ý mới nghe mình”.
 
Đoạn đường dân sinh giữa ga Phú Thụy và ga Lạc Đạo (trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) trước đây không rào chắn, không đèn, không còi vốn là điểm đen giao thông với nhiều cái chết đau lòng. Đây lại là khu vực nhiều học sinh, sinh viên qua lại nên đoạn đường chính là mối nguy hiểm thường trực.
 
Vì được chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, vợ chồng bác Long Hồng không đành khoanh tay ngồi nhìn, thế là hơn 10 năm nay đôi vợ chồng này làm cái việc mà người đời vẫn gọi là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
 
“Đa số nạn nhân là người nơi khác đến không để ý đến tàu thì tai nạn xảy ra như cơm bữa. Nhưng từ năm 2010, do kiến nghị của người dân nên chính quyền đã đề xuất lên tổng cục đường sắt xem xét lắp đèn báo hiệu. Nhờ có đèn, còi báo hiệu nên tai nạn cũng giảm thiểu đi rất nhiều” - bác Hồng cho biết thêm.
 
Hết lòng vì cộng đồng
 
Theo bác Hồng cho biết thì từ năm 2003, vợ chồng bác đã quyết định dọn ra ở gần đường tàu để vừa đảm nhiệm công việc trông nghĩa trang, tiện cho việc gác tàu.
Bác vừa kể chuyện vừa chỉ tay về phần đất phía sau quán nước, cách đó không xa là cả một nghĩa trang rộng với nhiều nấm mộ nhấp nhô: “Bây giờ còn quang chán, lúc trước khu vực này um tùm, hoang vu lắm, che khuất cả tầm nhìn của người đi đường”, bác Hồng chia sẻ
 
Vừa đăm chiêu, nhìn ra đường ray tàu, bác Hồng tâm sự: “Nhiều trường hợp tàu gần đến, còi rú inh ỏi mà người dân vẫn phăng phăng, cố vượt, tôi thấy nguy hiểm quá nên chạy ra dùng mọi cách cứu”.
 
Bác Long vợ ông Hồng nói với: “Tôi và ông nhà tôi cứ phải thay nhau "canh chừng". Có hôm đang đuổi vịt, đuổi ngỗng dưới ao mà phải tức tốc chạy ra vẫy, lùa người đi đường. Nếu ai đó bị “đơ” thì hễ vớ được cái gì là ném thật mạnh vào người để họ biết”.
 
10 năm có lẻ sống gần đường tàu, biết bao kỷ niệm đã đi qua trong nghiệp gác tàu của vợ chồng bác. Trong trí nhớ của bác Long, vẫn còn nguyên vẹn về cái chết của cậu thanh niên ở Sông Công (Thái Nguyên) đi tán gái ở Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Trung ương gần đấy. Khi về, gặp đúng tàu nhanh lúc 20h, nhưng vẫn cố băng qua đường ray khi tàu gần đến.
 
Mặc dù đã cố gắng chạy đến gạt mạnh vào tay cậu thanh niên ấy ra khỏi tay lái nhưng bác bị trượt. Kết quả, cậu thanh niên trẻ tuổi phải bỏ mạng bên đường tàu. Bế chàng thanh niên nằm gọn vào bên đường trong tình trạng mặt mũi nát bươm, máu chảy ròng, chân tay gãy rời. 
 
Bán quán nước ở đây, cứ đến giờ tàu chạy qua vợ chồng bác lại thay nhau chạy sát ra đường ray xe lửa quan sát. Không biết bao nhiêu lần bác cứu người dân thoát chết, nhưng cũng có những lần không kịp, hai vợ chồng thấy áy náy, buồn. 
 
“Cứu một mạng người bằng xây 7 tòa tháp, chúng tôi làm những việc này là tự nguyện, làm phúc chứ không có ý định kiếm tiền”, bác Long tâm sự
“Cứu một mạng người bằng xây 7 tòa tháp, chúng tôi làm những việc này là tự nguyện, làm phúc chứ không có ý định kiếm tiền”, bác Long tâm sự
 
Nhiều hôm, mưa to gió lớn, nhiều thanh niên đi chơi về khuya, uống say lả lướt, mặc dù thấy tàu rú còi từ xa mà vẫn đứng cãi nhau inh ỏi trên đường ray. Tôi lấy gậy đuổi, đánh cho tỉnh. Tàu đi qua, chúng thoát chết còn quay lại buông lời sỗ sàng: “Tôi chết kệ chúng tôi, liên quan gì đến nhà ông”. Nhiều lần nghĩ thấy ấm ức lắm, làm ơn mắc oán, nhưng thấy việc mình cảnh báo người qua đường được mọi người ủng hộ nên chúng tôi vẫn làm. 
 
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến giờ, dù bận việc, vợ chồng bác thay nhau ra chắn tàu, nhắc nhở bà con người dân qua lại. Gần 10 năm, những chuyến tàu xuôi ngược Hà Nội – Hải Phòng dường như đã hằn sâu vào trí nhớ của hai bác. Dù bận việc gì đi chăng nữa nhưng cứ đến giờ tàu chạy ngang qua đường dân sinh giữa ga Phú Thụy và ga Lạc Đạo luôn thấy bóng dáng đôi vợ chồng gác tàu. 
 
 
Thúy Mùi