Đó là cụ Trần Cang, trú tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Chính tấm lòng cao cả này mà người dân địa phương gọi cụ là “ông bụt” của người nghèo.
Ông cụ 90 tuổi làm từ thiện suốt 50 năm qua
Trở về xã Phú Tâm trong những ngày giữa tháng 4 âm lịch, những ngày này người dân ở xã Phú Tâm cũng như một số nơi khác đang háo hức đi nhận gạo từ thiện trong ngày lễ Phật Đản (15-4 âm lịch) từ Tịnh Xá Ngọc Tâm, nơi cụ Cang đóng góp tiền bạc và vận động những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ người nghèo trong suốt hàng chục năm qua với trên 25 tấn gạo cho mỗi năm.
Rời khỏi Tịnh Xá Ngọc Tâm chúng tôi không khó khăn để tìm đến nhà cụ Cang, bởi cái tên và hình dáng của cụ đã đi sâu vào lòng người dân trong suốt 50 năm làm từ thiện. Theo quan sát, trong căn nhà nhỏ của cụ Cang không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi và bộ bàn ghế đã cũ kĩ để ngồi tiếp khách. Nhìn ánh mắt hiền hòa, khuôn mặt tràn đầy lòng từ thiện, nước da hơi ngăm, dáng đi còn hoạt bát, ít ai đoán được ông cụ đã 90 tuổi.
|
Cụ Cang xem lại danh sách những người cần giúp đỡ |
Cụ Cang chia sẻ: “Mình làm việc thiện đâu nghĩ đến chuyện được trả ơn, chỉ mong sao cuộc sống này giảm bớt đi những mảnh đời bất hạnh. Năm trước mấy chú ở xã bảo ghi tên người được giúp vào đây nên mới có cuốn sổ này...”
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Vũng Thơm nổi tiếng với những lò bánh pía, lạp xường, mè láo truyền thống ở Sóc Trăng, ngay từ nhỏ đã nếm trải những vất vả của cuộc sống nghèo khó, nên cụ Cang rất hiểu những mảnh đời cơ nhỡ, thiếu cơm ăn áo mặc. 50 năm trước, lần đầu tiên cụ làm việc nghĩa là giúp bà con sau trận càn của Mỹ ở Ba Rẹt (huyện Châu Thành). Cụ Cang nhớ lại: “Tôi gom được gần 20.000 đồng, tiền tích cóp của hai vợ chồng, rồi chèo ghe đi mua gạo cứu trợ, cho mỗi người bị thương vài trăm đồng mua thuốc điều trị vết thương”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thu nhập từ nghề trồng lúa chẳng đủ là bao, có lúc gia đình còn khó khăn, nhưng cụ vẫn phải nhường phần ăn của mình giúp đỡ cho những gia đình nghèo đang gặp khó khăn, hoạn nạn.
Người dân xã Phú Tâm và tỉnh Sóc Trăng biết cụ Trần Cang bởi cụ gắn bó với công việc làm từ thiện trong suốt 50 qua. Ở cái tuổi 90, đáng lẽ cụ phải được nghỉ ngơi và để con cháu báo hiếu. Nhưng đối với cụ còn sức khỏe là cụ còn đi làm từ thiện. Hàng ngày cụ vẫn sử dụng chiếc Honda Cub 50 cũ kĩ hoặc chiếc xe đạp đã phai màu sơn đi suốt hơn chục cây số để giúp đỡ cho người nghèo.
Anh Võ Văn Thành, sinh sống tại xã Phú Tâm biết vào năm 2009 sau một lần đi làm về anh bị một thanh niên tông xe từ phía sau đẫn đến chấn thương sọ não, nhà nghèo không tiền để chữa trị, nhờ cụ Cang vận động tấm lòng hảo tâm và đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng giúp được gần 20 triệu đồng để mổ, đến nay anh đã đã lành mạnh như xưa: “Tôi rất mang ơn cụ Cang, công lao của cụ rất lớn, nếu không có cụ giúp đỡ thì chắc tôi đã bỏ mạng từ lâu lắm rồi”. anh Thành nhắc lại.
Đem niềm vui và sự sống đến cho nhiều người nghèo
Còn nhớ cách đây 3 năm, ấn tượng trong công việc từ thiện khiến cụ Cang nhớ mãi là giúp đỡ gia đình của anh Huỳnh Hữu Trí, 30 tuổi, ngụ tại ấp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm đang trong cơn thập tử nhất sinh vì lúc đó anh Trí mang căn bệnh về đường ruột và phải mổ mới bảo đảm tính mạng. Nhà nghèo, không ruộng vườn, không tiền đi điều trị, mỗi lần căn bệnh hoành hành thì anh Trí chỉ nằm khóc cùng gia đình. Nhờ người chỉ dẫn cụ Cang tìm đến giúp đỡ, lo tiền trị bệnh và đóng ruột lại đến nay anh bệnh anh Trí đã khỏi hẳn và có thể đi lại bình thường. Nghe tin anh Trí lành bệnh cụ Cang lại đến nhà với những lon sữa, bịch đường… để sức khỏe anh nhanh chóng phục hồi.
Ngoài việc vận động tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân trong nước và nước ngoài để cứu người khó khăn, hoạn nạn, hàng năm cụ còn vận động những tấm lòng này để phát hàng chục tấn gạo, mì, quần á... cho bà con xa gần có cơm ăn, áo mặc vào dịp lễ Phật Đản (15-4 âm lịch) tại Tịnh Xá Ngọc Tâm, xã Phú Tân, huyện Châu Thành.
Hầu như nghe nơi đâu có trẻ em nghèo cần được giúp đỡ là cụ Cang đều tìm đến tận nhà động viên, quyên góp tiền hỗ trợ để các em mua tập viết, quần áo đến trường hoặc buôn bán. Cụ bộc bạch: “Giúp người phải giúp cho trót. Tôi không quản ngại công lao hay đội nắng, đội mưa đi vận động tiền, gạo làm từ thiện, chỉ mong sau này các cháu sống có ích cho xã hội là tôi vui rồi”.
|
Cụ Cang bên hàng chục tấn gạo chuẩn bị phát từ thiện |
Được biết, những năm qua cụ Cang còn lo chuyện ma chay cho trên 300 người nghèo ở khắp nơi trong tỉnh. Riêng những bệnh nhân tuổi đã cao, sau khi được đưa đi điều trị hết bệnh, đều được cụ Cang nhận chu cấp 10kg gạo/người/tháng đến cuối đời. Hiện nay cụ Cang nhận chu cấp gạo hằng tháng cho gần 300 người.
Xuất phát từ việc làm từ thiện của cụ, nhiều người đặt câu hỏi tiền đâu mà cụ lại giúp nhiều người như thế? Ông cụ nở nụ cười hiền khô, tiền của con cụ ở nước ngoài gửi về cho cụ, cụ cất để làm từ thiện, giúp người nghèo. Cái tuổi của cụ xài được bao nhiêu, làm từ thiện còn có ích và con cụ cũng đặng phước mà.
Cũng theo cụ Cang nếu số tiền của cụ không giúp được nhiều người thì cụ vận động tấm lòng hảo tâm từ làng, xã, đến huyện, rồi đến tỉnh nhà và sau đó qua các nước Mỹ, Canada, Úc…đến nay tên cụ đã có mặt ở các nước này và chỉ càn cụ cần tiền để giúp đỡ người nghèo thì họ sẳn sàng dang rộng vòng tay mà không cần suy nghĩ nhiều.
Ông Dương Kỳ Nam-chủ tịch UBND xã Phú Tâm cho biết “Chúng tôi rất vui mừng khi quê hương mình có một ông cụ có tấm lòng cao cả như thế. Hễ nghe nơi đâu gặp hoạn nạn cần được sự giúp đỡ là cụ đến tận nơi đóng góp gạo, tiền, quần áo…dù ngày hôm đó trời nắng hay mưa”.
Việc làm từ thiện không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi phải có một cái tâm và tấm lòng thương người cao cả mới có thể làm được, việc làm của cụ Cang là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Xã hội đang rất cần những người như cụ.
Theo Tuấn Thành
An Ninh Thủ Đô