Lần này trở về Việt Nam, bà đã đem tin vui cho những người bạn trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA).
 
Nếu tiếp xúc với người phụ nữ ấy, cái đầu tiên ta cảm nhận được sẽ là sự can trường ẩn giấu trong vẻ đẹp dịu dàng. 72 tuổi, tóc đã phai màu cùng thời gian, nhưng người phụ nữ Pháp gốc Việt Trần Tố Nga vẫn mải miết trên con đường tìm công lý cho những nạn nhân chất độc da cam...
 
Lần này trở về Việt Nam, bà đã đem tin vui cho những người bạn trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA). Đơn kiện mà luật sư của bà Nga, ông Uy-li-am Bóc-đơn (William Bourdon) đệ lên tòa đại tụng thành phố Evry (tỉnh Essonne, Pháp) chống lại 26 công ty hóa chất Mỹ - nơi sản xuất chất độc da cam từng gây hại cho hàng triệu người dân Việt Nam, đã chính thức được chấp nhận. Với nguyên đơn là bà Trần Tố Nga, công dân Pháp, vụ kiện đã bắt đầu ngày 14-5 vừa qua.
 
Bà Trần Tố Nga phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 13-6 tại trụ sở VAVA.
Bà Trần Tố Nga phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 13-6 tại trụ sở VAVA.
 
Tâm sự với nhóm phóng viên chúng tôi, bà Nga cho biết cả cuộc đời, cái bà theo đuổi chỉ có một, đó là công lý cho những nạn nhân da cam, công lý cho chính bà. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đã quá quen với rừng sâu, bom đạn và không ít lần từng nếm vị đắng của nhà tù và tra tấn, có lẽ vì thế cái tính “cứng đầu” như bà tự trào đã ăn sâu vào từng thớ thịt của bà. Dù không rõ cuộc “thách đố” này sẽ đưa bà đi về đâu, càng không biết cái cơ thể mang nhiều bệnh tật có thể kham nổi hay không, nhưng bà vẫn cười mà rằng: “Nhiều người lo tôi không đủ sức khỏe để theo đuổi vụ kiện có thể sẽ kéo dài 5-6 năm, nhưng tôi đáp lại họ rằng, tôi chưa thể ra đi khi công lý chưa được thực thi”.
 
Để có thể vững vàng được như ngày hôm nay, bà Nga đã trải qua không ít những đau khổ và dằn vặt khi cơ thể mang chất độc đã cướp đi sinh mạng người con gái đầu lòng của bà. Nhớ về quãng thời gian quá khứ đó, bà vẫn còn đau đáu một niềm đau khôn nguôi. Câu chuyện bắt đầu khi bà đang công tác với cương vị phóng viên chiến trường của Thông tấn xã thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Một buổi sáng, bà nghe thấy tiếng máy bay lượn vòng trong vùng đóng quân. Bà chui khỏi hầm và thấy máy bay trải xuống rừng một đám mây bột. Bà nhớ lại: “Tôi bắt đầu ho và gãi. Về sau chúng tôi biết rằng, đó là một loại thuốc diệt cỏ, nhưng không hề tưởng tượng được nó độc hại đến mức nào”. Chỉ đến khi sinh hạ người con gái đầu lòng tên Việt Hải, bà mới nhận thấy sức khỏe của con rất kém. Việt Hải không lên cân, tim của cháu rất yếu, da của cháu bị tróc ra từng mảng. Do không biết được nguồn gốc của bệnh, các bác sĩ không thể cứu được con gái bà. Việt Hải chết khi được 17 tháng tuổi. “Nhiều năm trời, tôi luôn thấy mình có tội với con. Tôi tự trách mình đã không quan tâm, không biết giữ gìn khi mang thai. Cũng như bao nạn nhân da cam khác, tôi không tưởng tượng được rằng, tất cả những nỗi đau kia là do các chất độc từ trên trời rơi xuống”, bà bùi ngùi.
 
Cho đến năm 2012, bà Nga nhận thấy cơ thể của mình mang những dấu tích của sự phơi nhiễm đi-ô-xin qua vô số những hạt nổi ở khắp người. Bấy giờ bà mới hiểu, vì sao hai con gái sau này của bà cũng mang những chứng bệnh đáng lo ngại như vậy. Người con gái định cư ở Ô-xtrây-li-a mang một chứng bệnh về máu. Còn người con khác nữa đang sống ở Mỹ lại mang bệnh vẩy sừng, một chứng bệnh về da. Các cháu của bà, sức khỏe cũng rất yếu.
 
Mang trong mình 15 bệnh lý, trong đó có nhiều loại ung thư (phổi, vòm họng…), bà Nga vẫn kiên cường trong cuộc chiến pháp lý tại Pháp, với hy vọng vụ kiện sẽ là bước đột phá cho các nạn nhân của chất độc da cam. Theo lời bà Nga, vụ kiện tại Pháp sẽ khác hoàn toàn so với những vụ kiện tại Mỹ - từng bị bác bỏ đơn kiện trước khi có thể tiến hành. Bởi với tư cách là nạn nhân da cam và có quốc tịch Pháp, bà Nga có thể được chấp nhận tiến hành kiện các công ty mà từ trước tới nay vẫn luôn né tránh trách nhiệm với thảm họa họ đã góp phần gây ra tại Việt Nam. Cá nhân bà Nga có thể được bồi thường thiệt hại và qua đó mở đường cho những vụ kiện ở các nước khác của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
 
“Ở cái tuổi gần đất xa trời, mục đích của tôi không phải là tiền bồi thường, tôi chỉ quan tâm đến phán quyết của tòa. Vụ kiện này không phải vì Trần Tố Nga mà vì công lý, vì những nạn nhân da cam. Bởi vậy, tôi đã từ chối khi các công ty hóa chất có yêu cầu thương lượng bồi thường ngoài tòa. Nếu vụ kiện thắng, tôi sẽ dành số tiền này để thực hiện ước mơ xây trường dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và những nạn nhân chất độc da cam”, bà Nga cho biết.
 
Đối mặt với cuộc chiến giành công lý vẫn còn dai dẳng, người phụ nữ đã hơn 70 tuổi với mái tóc hoa râm này vẫn cháy mãi một niềm tin. Vì vậy, nếu tiếp xúc với người phụ nữ ấy, cái đầu tiên ta cảm nhận được sẽ là sự can trường ẩn giấu trong vẻ đẹp dịu dàng mà đằm thắm. Còn cái cuối cùng ta cảm nhận được sẽ là một vẻ đẹp của niềm tin, vẻ đẹp của ước mơ rực cháy trong trái tim.
 
Theo Báo QĐND