Đó là câu chuyện về chàng sinh viên Hồ Công Danh (năm nay 21 tuổi) - người 6 năm qua không quản ngại khó khăn, vất vả - một mình cưu mang người anh hàng xóm tật nguyền đáng thương Nguyễn Thanh Tùng (33 tuổi).
 


Tai nạn bất ngờ

Vào một chiều cuối đông 2014, trời rét và mưa nặng hạt, chúng tôi tìm về khu nhà trọ tại tổ 6, khu vực 8, đường Nguyễn Thái Học, phường Ngô Mây, TP.Quy Nhơn (Bình Định). Trước mắt chúng tôi là chiếc giường cũ kỹ ọp ẹp, một người đàn ông nằm bẹp trên đó, nói giọng đứt quãng: “Hắn đi học tí nữa là về, anh ngồi chơi xơi nước”.

Qua câu chuyện được biết, anh tên Nguyễn Thanh Tùng (quê ở thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam, là hàng xóm của Hồ Công Danh). Nhà gần nhau nên hai người quen biết và thân thiết ngay từ nhỏ. Tùng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn nên sớm cơ cực với nghề làm ruộng.

Giữa năm 2005, khi anh 24 tuổi, do té cây, bị chấn thương, gãy đốt sống cổ, nên anh bị liệt tuỷ sống dẫn đến liệt toàn thân. Để cứu mạng con, vợ chồng ông Nguyễn Bỏ, bà Trần Thị Quyện (bố mẹ Tùng) đã phải bán tất cả gia sản trong nhà từ con heo, con bò đến chiếc tủ với hy vọng cứu sống con mình. Sau khi chạy chữa khắp nơi với đủ thầy, đủ thuốc, bao nhiêu hy vọng và nước mắt cũng không thể làm anh Tùng lành lặn trở lại.

“Trong thời gian tôi gặp tai nạn, chứng kiến cảnh con trai bị bệnh tật đày đọa, do suy sụp tinh thần, bố tôi đổ bệnh, rồi mất đi. Mẹ tôi cũng mất vào năm 2007 vì bị tai biến. Cha mẹ không còn, các anh chị em lập gia đình riêng nên cũng ít có thời gian bầu bạn, chăm sóc tôi. Tôi sống đơn độc trong căn nhà vắng cùng nỗi đau thể xác và tinh thần. Đang trong cảnh bế tắc cùng cực, em Danh đã đến bên tôi như một phép nhiệm màu. Em là ông bụt, bà tiên níu tôi còn lại với cuộc đời này…”, anh Tùng chia sẻ.

Ngồi trò chuyện với Tùng một lúc, chúng tôi thấy một cậu thanh niên đội áo mưa bước vào với chiếc cặp trên tay. Nhìn khuôn mặt hiền lành, tôi có cảm tình ngay với cậu sinh viên “thương người như thể thương thân” này. Qua trò chuyện được biết, Danh là con út trong một gia đình lao động nghèo, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Cuộc sống gia đình Danh nhờ vào gian hàng bán rau quả nhỏ. Dù đời sống vật chất còn túng thiếu trăm bề, nhưng Danh lớn lên trong tình yêu thương của người thân.

Chuyện cổ tích về lòng nhân ái

Danh kể lại chuyện của 6 năm về trước: “Buổi chiều mưa gió hôm ấy, em thấy anh Tùng nằm co ro một mình trong cơn sốt, mặt mày tím tái, nên lấy khăn ấm lau hạ sốt cho anh. Khi trở về nhà, hình ảnh khuôn mặt khắc khổ của anh Tùng nở nụ cười đầy hạnh phúc đọng mãi trong tâm trí em. Thấy hoàn cảnh đáng thương của anh, sau đó, em thường xuyên qua lại, bầu bạn, chăm sóc cho anh. Em trở thành người thân của anh từ khi nào chẳng biết, lo cho anh từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân”. Quãng thời gian khó khăn nhất là lúc Danh ôn thi đại học ở Đà Nẵng. Mỗi tuần em lại bắt xe về quê, thăm nom, vệ sinh cho “người anh”, lo cơm cháo rồi nhờ hàng xóm trông nom hộ anh Tùng để lên thành phố miệt mài kinh sử.

Về phần Tùng, thấy Danh vì mình mà vất vả, nhiều lần anh nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết để chấm dứt những ngày “sống mòn”. Hay tin dữ, Danh vội quay về, vỗ về, an ủi Tùng: “Anh không thương em à, anh phải sống để nhìn em vào đại học chứ, em sẽ ở bên anh”. Nghe vậy, Tùng bỏ chuyện tìm lối thoát tiêu cực. Ngày Danh nhận giấy báo trúng đại học, người mừng vui hơn cả chính là “người anh kết nghĩa” tật nguyền.

“Tôi không muốn mình tiếp tục là gánh nặng cho em Danh, nhưng chú ấy thì ngược lại, chưa bao giờ nghĩ sẽ đi học mà “bỏ rơi” tôi. Ngày nhận giấy báo nhập học, Danh xin cha mẹ được phép đưa tôi vào Quy Nhơn để chăm sóc, đỡ đần. Ban đầu, cha mẹ em lo lắng bởi chân ướt chân ráo vào thành phố biển xa lạ lo cho thân mình đã khó mà em còn đòi lo cho tôi. Thế nhưng, vợ chồng ông Hồ Văn Thanh (49 tuổi), bà Huỳnh Thị Lý (47 tuổi) - cha mẹ Danh - cuối cùng cũng đồng ý, phần vì biết em làm việc tốt, phần vì họ thấy hoàn cảnh của tôi đáng thương anh ạ”, Tùng trải lòng về nghĩa cử đẹp của người em hàng xóm giàu lòng nhân ái.

Anh Tùng cho biết thêm, Danh vừa chăm sóc anh vừa đảm bảo việc học hành ở trường. Khó khăn nhất là việc vệ sinh cho Tùng vì anh nằm liệt một chỗ, phải đặt dây thông tiểu vào bàng quang, mỗi tuần phải thay dây một lần để tránh nhiễm trùng. Danh tâm sự: “Khi em bước vào học năm thứ 1, anh Tùng bị viêm nhiễm, em phải mời bác sĩ đến nhà tiêm thuốc. Tiền công cho 10 lần tiêm là 1 triệu đồng khiến hai anh em hoảng hồn. Vì thế, để trang trải cuộc sống, em vừa thắt lưng buộc bụng vừa mày mò học cách tiêm thuốc để làm “điều dưỡng” cho anh Tùng”.

Được biết, do vẫn sống dựa vào số tiền gia đình trợ cấp hàng tháng nên Danh tằn tiện, chi tiêu đúng mục đích. Bao nhiêu công việc, áp lực đều dồn lên vai nhưng cậu sinh viên này không bao giờ than vãn.

Nhìn anh Tùng tươi tắn, nét mặt chan chứa hy vọng, chúng tôi càng khâm phục người sinh viên “lá rách đùm lá nát” này. Khi mới nhập học, bố mẹ nơi quê nhà phải cầm cố mấy sào ruộng lấy 4 triệu đồng cho Danh. Bây giờ, cuộc sống của hai anh em vẫn phải trông cậy vào tiền cha mẹ và sự giúp đỡ của xã hội, nhà trường. Nhưng Danh cho biết, em không muốn gia đình phải khổ nữa, năm nay, em đang học năm thứ 3 và hơn 1 năm nữa sẽ ra trường, khi đó em sẽ kiếm việc làm để nuôi mình và lo cho anh hàng xóm đáng thương.

Nói về cậu sinh viên nghèo, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn An Toàn (50 tuổi) phấn khởi: “Em Hồ Công Danh hiện là sinh viên năm 3, ngành kỹ thuật điện, khoa kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn. Nhiều năm nay, em vẫn lặng lẽ cưu mang người hàng xóm bất hạnh. Với tình thương và nghị lực ấy, em đã viết nên một câu chuyện cổ tích có thực giữa đời thường về lòng nhân ái bao la. Tuy hoàn cảnh khó khăn trăm bề, nhưng em vẫn biết đồng cảm, cưu mang người hoạn nạn như vậy là rất đáng trân trọng.

Trong lễ khai giảng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và nhà trường đã tặng bằng khen tuyên dương những việc làm đáng quý của em Danh. Thời gian qua, nhà trường đã tạo điều kiện, hỗ trợ em trong cuộc sống và học tập. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, em sẽ vượt qua tất cả để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô”.

 

Theo Lao động

.