Người ta thường bảo, tình cảm vợ chồng cũng giống như món ăn, để lâu sẽ nguội, nếu không được “hâm nóng” sẽ trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo. Để “hâm nóng” tình yêu cũng không có gì quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. Đó có thể là những cử chỉ lãng mạn, những chuyến du lịch, hay có khi chỉ cần luôn ở bên nhau là đủ.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng cụ Nguyễn Huy Thiện (88 tuổi) - Cao Thị Hoàng Oanh (85 tuổi, ở đường Hoàng Việt, phường 6, TP. Vũng Tàu) vẫn luôn quấn quýt bên nhau. 6 năm nay, cụ bà bị bệnh, phải ngồi xe lăn nên cụ ông luôn tỏ vẻ sốt ruột đòi về sớm mỗi lần được con, cháu đón đến nhà chơi, vì đi lâu sợ cụ bà trông. Với hai cụ, tình yêu luôn luôn mới. Dù đã có người giúp việc và cụ ông không còn khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng cụ bà vẫn muốn để cụ ông bón cơm, lau người cho mình và cụ ông làm những việc này rất vui vẻ. Cụ Nguyễn Huy Thiện chia sẻ: “Bà nhà tôi sinh ra trong gia đình khá giả, từ nhỏ đến lớn luôn được cưng chiều. Yêu và chấp nhận làm vợ tôi, bà ấy cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nên tôi luôn muốn bù đắp cho bà ấy. Trong suốt hơn 60 năm ở với nhau, dù có nhiều lúc khó khăn nhưng chúng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau”.
Anh Nguyễn Đình Công, ở đường Võ Thị Sáu (phường 2, TP. Vũng Tàu) kể, ba anh làm việc ở giàn khoan, mỗi tháng phải xa nhà 15 ngày. Vì thế, khi ba anh ở nhà, mẹ anh thường nấu những món ăn ba thích. Hai người cũng hay chở nhau dạo biển, cùng nấu ăn rồi kể cho nhau nghe về công việc ở giàn khoan, ở nhà. Vào dịp lễ, kỷ niệm, ba anh tự đi mua hoa, quà về tặng mẹ và đến giờ, dù con cái đã trưởng thành, ông bà vẫn giữ thói quen đó. “Thỉnh thoảng tôi cũng thấy ba mẹ tranh luận với nhau về chuyện con cái, gia đình, sau đó ba lại chủ động làm lành bằng cách tự vào bếp nấu ăn hay chở mẹ đi mua sắm. Mẹ tôi cũng hay có cử chỉ đáng yêu là như đòi ba cõng leo cầu thang như hồi trẻ. Nhìn chung, ba mẹ tôi rất hạnh phúc”, anh Công nhận xét.
Cưới nhau rồi sinh liền 2 đứa con, vợ chồng anh Hoàng Hải và chị Minh Phương (chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) luôn bận rộn với việc chăm sóc con cái nên không có thời gian riêng tư dành cho nhau. Mỗi khi chị muốn bày tỏ cử chỉ thân mật là anh lại đẩy ra với lý do sợ con nhìn thấy sẽ không tốt khiến chị chạnh lòng nghĩ anh không còn yêu mình hay chê mình già, xấu nên rất tủi thân. Cuối năm rồi, nhân kỷ niệm 10 năm quen nhau, chị quyết định gửi con cho ông bà ngoại để cùng chồng lên Đà Lạt “hâm nóng” tình yêu. Trong thời gian này chị mới có cơ hội nói rõ những suy nghĩ, lo lắng của mình bấy lâu. Anh Hải cũng nhận ra sự vô tâm của mình nên đã thay đổi hẳn và quan tâm đến cảm xúc của vợ nhiều hơn. Ngược lại, chị cũng chú ý chăm sóc bản thân mình hơn, không còn ăn mặc, lôi thôi như trước. “Thực ra, hàng ngày anh rất tích cực chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với tôi. Vào những ngày lễ, kỷ niệm, anh hay mua hoa tặng, nhưng nhiều lúc tôi không tỏ ra thích thú mà còn càu nhàu anh bày vẽ cho tốn kém khiến anh cụt hứng. Sau chuyến du lịch ấy, chúng tôi hiểu nhau hơn và cảm giác tình yêu tươi mới như hồi mới bắt đầu”, chị Minh Phương chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, một cuộc hôn nhân kéo dài sẽ khiến cho tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như ngày đầu. Vì thế nó cần được “hâm nóng”. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà các cặp đôi có những cách thể hiện khác nhau. Có khi chỉ đơn giản là cuộc nói chuyện giữa hai người để hiểu nhau hơn. Dành cho nhau những bất ngờ nhỏ như tặng một món quà không phải dịp đặc biệt; nấu những món ăn mà bạn đời mình thích; du lịch cùng nhau; một lời khen ngợi chân thành, đúng lúc, đúng chỗ; một cử chỉ thân mật; một lời hỏi thăm thể hiện sự quan tâm đến bạn đời… là những cách được nhiều người sử dụng và tỏ ra khá hiệu quả.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu