leftcenterrightdel

 Chúng tôi, những gã nhà báo miền Trung lãng du, quyết một lần xa tiếng cồng, tiếng chiêng, xa mùa “ăn năm ngủ tháng” lên với các tỉnh miền núi phía Bắc khi hoa mận, hoa mơ đã bắt đầu nở bung bên các sườn núi...

Ra khỏi nội thành Hà Nội, chúng tôi theo cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên- Bắc Kạn ngược lên vùng núi. Tuyến cao tốc này, hay còn gọi là “Quốc lộ 3 mới”, đẹp như một dải lụa vắt ngang lưng núi. Có cảm giác như chưa kịp hết vị ngọt của chiếc kẹo cao su vừa mới nhai, xe đã đưa chúng tôi tới đầu TP. Thái Nguyên. Chưa kịp lưu lại hình ảnh “thành phố gang thép”, chúng tôi như bắt đầu lạc vào thiên đường cổ tích để lên Bắc Kạn. Con đường huyết mạch nối Thái Nguyên - Bắc Kạn xuyên qua những rừng tre trúc vàng rực, những nhóm lau trắng nhưng nhức rồi bất chợt sáng bừng lên với bạt ngàn hoa mận, hoa mơ trong những khu vườn sát đường đi.

Ba ngày lưu lại Bắc Kạn, chúng tôi không nhớ đã chụp biết bao tấm ảnh ở Ba Bể, nhưng nhớ nhất là bữa cơm thân mật tại nhà riêng của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du ở thị trấn Ba Bể. Hôm đó, biết chúng tôi lưu lại để cảm nhận đêm Ba Bể, lại đúng vào ngày cuối tuần, vị Bí thư nhìn chân chất, và rất mực gần gũi ấy đã ngược núi về đàm đạo cùng những người khách trẻ tuổi từ miền Trung ra thăm. Thực sự, nếu không biết trước đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, chắc chắn sẽ rất khó đoán định ai là chủ bữa cơm đầm ấm tại tư gia ấy, bởi mấy người hàng xóm biết tin có khách phương xa, đã chủ động cùng sang ngồi chia vui chén rượu, hòa đồng như người một nhà, hồn hậu, chân tình…

leftcenterrightdel
Đào biên viễn phương Bắc vào Xuân. 

Dẫu trước đó, trong một cuộc gặp mặt, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của một tỉnh trung du miền núi phía Bắc sau 20 năm tái lập tỉnh, nhưng khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du thông tin cụ thể, từ một tỉnh thuần nông, tự cung tự cấp, ngân sách những ngày đầu tái lập tỉnh thu được chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, đến nay nguồn thu đã có hơn 400 tỷ đồng, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Sau bữa cơm chia tay với lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể, chúng tôi lại ngược QL3 lên Cao Bằng, đến với vùng phên dậu của Tổ quốc. Cung đường này thực sự như một bức tranh thủy mặc, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, những vách đá trùng điệp nối nhau, chen lẫn giữa bạt ngàn lau trắng và hoa đào, hoa gạo đỏ rực trời biên viễn. Vẫn những câu chuyện tếu táo của những gã trai, để rồi chìm đắm vào những suy tư khi lần hồi kể về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Đêm biên viễn, gió rừng âm u thổi, miên man kể mãi câu chuyện những mùa Xuân đỏ lửa năm nào nơi biên cương xứ Bắc. 5 gã trai gối đầu bên nhau nghe nhà báo Hoàng Anh (báo Nông nghiệp Việt Nam) kể những câu chuyện kỳ bí về Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, nhà báo Hoàng Sang (báo Vietnamnet) vừa nghe vừa lật từng tấm ảnh: Đây, nơi này bắt nguồn của "Tình ca Tây Bắc", kia là cảm hứng của "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó"...

leftcenterrightdel
Chụp ảnh kỷ niệm bên thác Bản Giốc. 

Lên Bản Giốc, đôi mắt 5 gã trai mê mải đuổi theo những cánh rừng nối dài ven tỉnh lộ 206 đang mùa thay lá, để rồi chìm đắm trong tiếng thác hùng vỹ tung bọt trắng xóa. Phía xa xa, hoa gạo đỏ trời, hoa lau trắng phếch, những rừng tre, trúc rực lên dưới nắng, nhuộm vàng cả một vùng địa đầu của Tổ quốc. Thưởng lãm xong thác Bản Giốc, chúng tôi không xuôi Hà Nội để theo cao tốc lên Sa Pa, Lào Cai, mà quyết “hành xác” ngang QL3, sang QL 34, vượt hơn 250km đèo khuỷu tay qua Bảo Lạc, Bảo Lâm, Bắc Mê... đến vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Xe cứ chầm chậm men theo từng con đèo lưng chừng núi, đường như sợi thắt lưng quấn hết lưng núi này qua lưng núi khác, bên cạnh là vực sâu hun hút. Đến Bảo Lâm, Bắc Mê thì trời đã xế chiều, tiếng gió hú đỉnh đèo hòa lẫn tiếng gầm rú của dòng sông Gâm huyền thoại, cả đoàn như đắm chìm trong tiếng hùng binh năm xưa.

Những cành đào đỏ rực lên như máu, nổi bật giữa màu bàng bạc, đen nhức mắt của núi đá. Đào biên viễn vào Xuân, nơi vùng phên dậu Tổ quốc này luôn gợi nhớ những ký ức đau thương, hào hùng.

leftcenterrightdel
Những cung đường như những dải lụa vắt lưng chừng núi trên các đỉnh đèo xứ Bắc. 

Những gốc đào cổ thụ soi bóng xuống dòng sông Gâm! Câu chuyện "ngũ quý hà thủy" tiến vua cũng chỉ còn qua lời kể, giăng mắc trên dòng sông huyền thoại này từ Cao Bằng qua Hà Giang là 2 nhà máy thủy điện Bảo Lâm, Bắc Mê sừng sững... 10 tiếng đồng hồ cho hơn 200km đường đèo, đủ để 5 gã trai sớm chìm đắm, mơ màng trong tiếng khèn gọi bạn…

Ngày rời Tây Bắc tôi để quên con tim.
Nơi những rừng lau rung rinh trước gió.
Nơi vạn cành đào bung hoa thắm đỏ.
Nơi muôn linh hồn rực rỡ tuổi hai mươi...


4 câu thơ bất chợt bung ra từ cảm xúc, đã day dứt 5 gã trai suốt chuyến xe từ cao nguyên đá Hà Giang về xuôi. Qua Vị Xuyên, chúng tôi ghé vào thăm những trận địa năm xưa. Ăn vội quả cam bên đường, mà dư vị ngọt tan nơi đầu lưỡi. Những gốc cam trĩu quả, xanh tươi, vàng ươm trên những trận địa pháo năm xưa… Nơi đó, nhiều lắm những cô gái, chàng trai mãi yên nghỉ ở tuổi 20. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của dân tộc, để mỗi người dân được hân hoan, thức đón mỗi độ Xuân về!

Ký sự của Ngọc Mẫn