Ngoài những buổi đi đào mương cùng bà con nông dân, đi họp cải cách, bình dân học vụ…, chú Sáu thường về giẫy cỏ vườn ổi, trồng khoai nước dưới bờ ao với bố tôi. Tối tối, bố tôi thường trải manh chiếu cói trước sân nhà cùng chú và mấy cô bác tập kết ngồi quây quần uống nước chè xanh, nói chuyện gì đó tôi không rõ. 

Mỗi khi “khai chè”, chú Sáu thường rót một bát thật đầy từ cái ấm đồng hình con vịt, mang tới mời má (bà nội tôi). Có buổi tối, chú Sáu cùng nhiều người nữa tụ tập ăn củ ấu luộc rồi hát vang nhà. Tôi không biết tên các bài hát thời ấy, nhưng lời thì tôi vẫn nhớ: “Trải qua mấy mùa thu kháng chiến, chúng ta là người ở bốn phương, cùng thoát ly gia đình ra đi, cùng chung sống trong một gia đình giải phóng quân, vệ quốc quân…”, hoặc: “Hè đồng hè, quyết chiến đấu, hè đồng hè, quyết chiến thắng…”, hay: “Khi gần bên nhau… thêm nặng tình, tình đồng chí tử sinh không rời…”. Hồi đó, tôi chưa nghe quen tiếng miền Nam, nên khi chú Sáu nói câu gì đó xong, tôi cứ hay vặn vẹo. Chú xoa đầu, nựng tôi: “Chu cha…! Anh Tư (tôi là con thứ ba trong gia đình, chú gọi theo cách gọi của người miền Nam) cảm thông đi, tụi tui nói tiếng Miền đù…”. Thế là cả nhà, cả các chú, bác cười vang như hội. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mọi người lại cười.

Chú Sáu dạy tôi học bài, học phép cộng, trừ, nhân, chia. Chú khen tôi sáng dạ và thưởng tôi chiếc bút máy Bake nặng trịch của Pháp. Chú mở bút, dạy tôi bơm mực vào “công tờ dút”, dạy cách cầm bút xa ngòi để viết chữ khoáng đạt hơn… Tôi thích mê mẩn chiếc bút, nhưng bố tôi không cho tôi nhận, bảo đây là cả gia tài lớn của chú ấy, để chú dùng đi làm việc nước. Nhưng chú Sáu cứ nhét bút vào chiếc cặp gỗ của tôi.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Tác giả và chú Sáu - nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. 

Thời gian trôi qua, tôi cũng không nhớ là chú đã đi đâu và rời làng từ lúc nào. Trong ký ức lờ mờ tuổi thơ tôi chỉ đọng lại chừng ấy hình ảnh về chú Sáu cùng các cô, chú, bác bộ đội miền Nam ra ở trong nhà mình, làng mình, rất đông, rất vui, rất chăm làm, thường hoạt náo mỗi khi gặp nhau và rất quý trẻ con.

Năm 1978, trong một buổi liên hoan tiễn Đoàn công tác cải tạo công thương trở về Hà Nội tại nhà hàng Mỹ Cảnh Sài Gòn, một bác cán bộ thành phố đứng lên phát biểu, hỏi thăm gia cảnh từng người. Chuyện trò một hồi, rồi bác hỏi có ai ở Thái Bình, cầu Bo không? Tôi đứng lên: “Dạ thưa… có cháu ạ!”. Bác cán bộ hỏi tôi: “Cháu có biết nhà ông Củng ổi bo không?”. Tôi thưa: “Bố cháu đấy ạ!”. Bác cán bộ buột miệng “Zậy bay là thằng Cố hả?”. Tôi thưa: “vâng” (hồi còn nhỏ bố mẹ tôi gọi tôi là thằng Cố). Thế là bác nhào đến ôm chầm lấy tôi, vui mừng. Bác bảo: “Chú Sáu đây! Chú Sáu đây! Ba má bay – anh Củng, chị Hòa hay quá trời, nhường cho tụi tau căn buồng, chiếc giường rẻ quạt của ổng. Ổng kê cánh cửa nằm bên cót thóc nhà ngoài”. Chú hỏi tôi chuyện học hành, chuyện gia đình… Rồi chú chựng lại, nước mắt lưng tròng khi nghe tôi thưa tin bố mẹ, bà nội tôi đều đã qua đời…

Ngày chú “tập kết lần hai”, ở Hà Nội, có lần giỗ bố mẹ tôi, chú thím Sáu tới thắp hương, mắc việc thì chú gọi điện nhắc tôi thắp giùm chú. Hồi chú Sáu còn ở phố Vạn Bảo, thỉnh thoảng ông gọi tôi đến cho ăn món tai heo nộm ngó sen do thím Sáu cùng chị Đơ (người giúp việc) làm. Chú Sáu bảo ngó sen tại cái đầm sen bên cầu Bo gần nhà tôi là ngon nhất vì nó mọc lên từ phù sa sông Trà Lý. Chú nghiền món ăn ruột này từ hồi ở đó. Khi chú chuyển về ở phố Cột Cờ, chú mua lưới, vẽ sân cầu lông ngay trước cửa nhà. Thi thoảng, chú gọi tôi đến đánh cầu bình dân với chú. Chú bảo, khi nào rảnh, tụi bay đến đây chơi cho đỡ tốn tiền thuê sân bãi, lại có người phục vụ miễn phí (ý chú nói có thím Sáu phục vụ). Rồi chú cười và “chèo kéo” tôi ở lại ăn cơm. Có lần, thấy chú có khách là bạn học ở Liên Xô đến chơi, tôi ngại nên cáo lui, chú bảo: “Thôi mà! Bay làm phách lối quá nghe…”. Khi nghỉ làm việc, chú Sáu về Sài Gòn nuôi chim yến. Đất lành chim đậu, khu nhà chú yến bay rợp trời. Chú hái tổ yến, mang đi cho mọi người chứ không bán. Năm vừa rồi vào Thành phố, tôi được chú cho một hộp cỡ vài lạng. Chú bảo: “Mỗi lần tụi bay vô trong này, nhớ ghé lấy yến về cho tụi nhỏ ăn cho chúng thông minh, học giỏi”. Hộp yến sào chú Sáu cho tôi vẫn để dành…

Thời gian quá là khắc nghiệt. Cách đây dăm năm, thím Sáu qua đời. Rạng sáng nay, chú Sáu cũng đã ra đi. Một trái tim vĩ đại, nhân hậu, bình dị, tràn đầy nghĩa tình, luôn nhớ từng chi tiết từ bát nước chè, chiếc giường rẻ quạt tá túc thuở hàn vi… đã ngừng đập. Viết đến đây, tôi bỗng trào nước mắt…

(Hà Nội, ngày 17/3/2018)

Phạm Huỳnh Công