Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa thi nhan sắc, ban tổ chức lại nhận được hàng tá đơn khiếu nại, tố cáo xung quanh các người đẹp. Như vậy góc khuất đằng sau chiếc vương miện lung linh không hề đơn giản.
 

 

Cũng theo nguồn tin này, BTC sau khi biết được sự việc buộc phải chọn một gương mặt an toàn, “sạch sẽ” nhất để trao giải, thế nên chiến thắng lần này có khá nhiều scandal không mong muốn. Cuộc chiến của các ông bầu cũng vô cùng khắc nghiệt. Họ cũng sẵn sàng “trả đũa” nếu “gà” của mình không lọt vào vòng trong hoặc các đối thủ khác đạt một vài danh hiệu nào đó. Rõ ràng, hậu trường đằng sau cuộc thi nhan sắc còn là việc nói xấu, chiêu trò làm hại nhau giữa các đối thủ, bởi chiến thắng của thí sinh cũng là chiến thắng của ông bầu. Họ sẽ có nhiều uy tín trong việc tạo ra những nhan sắc và xây dựng những tài năng mới, vì vậy cuộc chiến này chưa bao giờ ngừng khốc liệt.
 
Một ông bầu có tiếng tại TP.HCM chia sẻ: “Trong cuộc thi hoa hậu, những chiêu trò sau đó xuất hiện khá nhiều. Không chỉ “hại” các thí sinh đội bạn bằng cách thông thường như làm hư quần áo đẹp, phá giày để họ không thể trình diễn trên sân khấu, thậm chí, họ còn đơm đặt những thông tin sai sự thật để thí sinh bị mất cảm tình từ ban giám khảo... Chiếc vương miện quá lấp lánh nên người nào cũng muốn sở hữu nó. Vì thế họ có trăm phương ngàn kế, thậm chí giở những thủ đoạn bẩn thỉu để tranh giành”.
 
Trên thế giới, việc mở các lò đào tạo hoa hậu xuất hiện từ lâu, từ đó họ có một nền công nghiệp về nhan sắc. Các em nhỏ cũng được luyện tập từ sớm, nên có nhiều kỹ năng trình diễn, kỹ năng làm đẹp, kỹ năng ứng xử trước công chúng. Trong khi đó, ở nước ta, chưa có việc đào tạo, rèn luyện cho trẻ ngay từ sớm, nếu có chỉ manh nha hình thành từ một vài nhóm và cách làm này thực sự không đem lại những hiệu quả cao. Trên bản đồ sắc đẹp thế giới, Việt Nam chưa có thành tựu đáng kể, là kết quả của một quá trình thiếu đào tạo, rèn luyện bài bản. Trong khi đó, việc đấu đá giữa các ông bầu càng khiến cho niềm tin của khán giả dành cho ngôi vị vương miện giảm xuống.
 
Hơn hao giờ hết, việc chọn ra một gương mặt phù hợp, đúng chuẩn thì chúng ta mới thành công trên đấu trường nhan sắc thế giới. Một siêu mẫu chia sẻ: “Để đạt tới ngôi vị cao trên đấu trường sắc đẹp thế giới, cần có sự rèn luyện vất vả, bởi đó không thể là một con đường ngắn ngủi mà thành. Tôi nghĩ, để có một giải thưởng cao khi tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế, đó không chỉ là sự rèn luyện của các thí sinh, mà còn cần sự nuôi dưỡng, đào tạo của gia đình, những người ông, người bà, cha mẹ... là những người gần gũi, giúp sức dạy bảo để các vẻ đẹp ngày càng tỏa sáng”.
 
Nhà văn Trần Huy Quang, hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Nét đẹp tâm hồn luôn quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ, việc rèn luyện trau dồi nét đẹp này luôn là điều cần thiết, dù xã hội có văn minh và hiện đại như thế nào. Người ta có nhiều cách để tạo nên một người đẹp, tuy nhiên, các chuẩn mực về cái đẹp và đề cao yếu tố tâm hồn là điều không bao giờ thay đổi.
 
Có thể còn nhiều “góc khuất” chưa được biết?
 
Trả lời câu hỏi, sau “sự cố” Huyền My, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có những yêu cầu cao hơn về lối sống, về việc giữ gìn hình ảnh trước khi đi thi Hoa hậu Việt Nam trong những năm tiếp theo không, ông Lê Xuân Sơn cho biết: “Đối với những sự việc xảy ra trước khi thí sinh thi Hoa hậu Việt Nam mà ít người biết thì ban Tổ chức cũng rất khó để nắm hết các sự việc, hình ảnh mà thí sinh tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng để thẩm tra các hình ảnh đó. Có rất nhiều chi tiết đời tư của các thí sinh mà chúng tôi biết được do nhờ cục A83 của bộ Công an vào cuộc. Các phóng viên báo Tiền Phong và các phóng viên văn hoá một số báo cũng cùng điều tra để đảm bảo cuộc thi diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên đúng là nhiều “góc khuất” chúng tôi cũng không biết được, cho đến khi dư luận và mạng xã hội tìm ra...”.
 
 
Theo ĐS&PL
.