Tinh thần thượng võ của người Việt
Cập nhật lúc 11:31, Thứ hai, 02/03/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Thời gian gần đây, dư luận đã có nhiều tranh luận sôi nổi quanh những lễ hội bị coi là bạo lực, là dã man như “chém lợn làng Ném Thượng”, “bạo lực ở Hội Gióng” hay “đi chợ đánh nhau cầu may ở Thanh Hóa”… Tuy nhiên, chúng tôi lại có một góc nhìn khác về những lễ hội này.
Hầu hết các lễ hội đều có lịch sử hàng ngàn năm, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, thẩm thấu vào sâu trong dân gian. Lễ hội chính là niềm tự hào, là cách để con cháu tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên. Vậy tại sao phải thay đổi nó theo hướng “kịch bản hóa” để đáp ứng sự thỏa mãn về cái gọi là “phi bạo lực” theo quan điểm của một số người thuộc địa phương, đất nước khác? Nếu nay mai, Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam có ý kiến “ăn thịt chó, mèo là dã man” hay “cần bỏ trứng vịt lộn vì vô nhân đạo với vịt” thì chúng ta cũng sẽ đáp ứng họ?
Những tranh luận quyết liệt và trái chiều
Ông Phan Đình Tân, phát ngôn viên của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không? Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ”. Ý tưởng dừng ngay lễ hội không chỉ được nhiều quan chức ủng hộ mà còn được cả những cư dân mạng chưa bao giờ biết về lễ hội này hùa theo số đông, đứng vào nhóm phản đối. Tuy nhiên, dân làng Ném Thượng cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại có những lý do của riêng mình. GS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, cho rằng nên để người dân giữ nguyên tục chém lợn truyền thống. “Việt Nam tham gia công ước bảo vệ động vật hoang dã chứ chưa có công ước nào bảo vệ động vật nuôi. Loài lợn ở đây là động vật nuôi và nghi thức chém lợn là nghi thức hiến sinh để người dân địa phương dâng lên vị thành hoàng họ tin tưởng, món thực phẩm Ngài đã dùng khi sinh thời. Ta nên tôn trọng ý nguyện cộng đồng là để họ duy trì nghi thức truyền thống bởi hơn ai hết, cộng đồng là nơi lưu giữ bảo vệ tốt nhất di sản của họ”, GS Bền nói: “Các cụ bảo nếu cán bộ không làm thì để dân chúng tôi làm. Lễ hội là của làng tôi thì hãy để dân làng tôi tự quyết định”, ông Trần Văn Đức, Trưởng khu Thượng, Trưởng ban tổ chức lễ hội thuật lại. Những người cao tuổi làng Ném Thượng tỏ ra bức xúc khi nghi thức cúng tế thần linh truyền thống của làng mình với ý nghĩa tốt đẹp là tôn vinh công lao của thành hoàng Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng và cầu cho mùa màng bội thu... bị một số người cho là dã man. Các cụ đồng loạt ý kiến, lễ hội không vi phạm pháp luật và để giữ gìn bản sắc quê hương nên muốn duy trì hình thức chém lợn ở sân đình.
Vĩ thanh
Theo quan điểm của nhiều người, các cơ quan quản lý không nên duy trì quan điểm “thấy khó thì cấm”. Việc cần làm là giữ nguyên lễ hội nhưng thay đổi cho phù hợp với các nguyên tắc để việc tổ chức lễ hội được thành công, an toàn, văn minh lịch sự. Ví dụ, tục “cướp hoa tre” ở Hội Gióng chắc chắn sẽ có đánh nhau, cướp đoạt vì đây là truyền thống. Không nên cưỡng ép dừng phần rước này mà nên tổ chức thay gậy tre bằng ống nhựa mềm, người tham gia rước có đội mũ bảo hiểm phần đầu mặt. Lễ hội chém lợn tế Thánh ở Ném Thượng có thể thay đổi theo hướng vẫn chém lợn ở sân đình nhưng thay vì lợn thật có thể chém tượng trưng lợn bằng bột. Phần rước các “cụ Ỉn” sẽ giữ nguyên nhưng sau đó các “cụ Ỉn” sẽ được giết mổ ở sân sau Đình làng. Không nên cấm một lễ hội văn hóa đã trải qua cả ngàn năm với bao thăng trầm của lịch sử mà không mai một.
Sơn Tùng
.