Giấc mơ Chapi" của nhạc sĩ Trần Tiến, nhiều người vẫn gọi nó là tình khúc của những kẻ lãng du tha thiết muốn đi tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai.
 
 
Nhưng ngày nay, một sự thật đáng buồn là cây đàn Chapi đang mất dần trên chính quê hương của mình. Cây đàn Chapi thấm đẫm tâm sự người Raglai đang hứng chịu một nỗi buồn, đó là lớp trẻ sau này không còn say mê với cây đàn của cha ông. Họ đang làm quen với những nhạc cụ tối tân hơn, những âm thanh xập xình chốn thành thị. Cả vùng Raglai Ma Nới đến nay chỉ còn Chamale Âu biết làm đàn và biết gảy Chapi. Chamale Âu đã ở tuổi lục tuần. Mỗi lần có khách đến chơi hỏi về cây đàn, ông quý lắm. Đây là dây mẹ, đây là dây cha, đây dây con trai, đây dây con gái. Dây cha thì cao, dây mẹ thì trầm, dây con lớn thanh, dây con út nhỏ. Hứng lên, ông lại ôm đàn Chapi và gảy. "Điệu "Con ếch" vang lên như báo những cơn mưa đầu mùa, gọi nhau lên nương trồng tỉa. Điệu "Con chim" báo cho nhau khoảng thời gian trong ngày. Điệu "Thở than" như chia sẻ những nỗi niềm buồn khổ. Điệu "Em ở lại anh về" nói lời giã biệt sau trắng đêm hò hẹn nơi suối vắng, rừng sâu. Rồi đến "Con gái lúa", "Con trai bắp" cũng chỉ đơn giản là những tâm sự từ đáy lòng người Raglai yêu quý hạt lúa, hạt bắp như chính con trai, con gái của mình. Ông hát lên ngôn ngữ Raglai theo tiếng đàn Chapi trầm bổng: "Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ/Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng...". Ông hát, nhưng trong đôi mắt người đàn ông Raglai ẩn chứa nỗi cô đơn khôn tả. Cả vùng Ma Nới này chẳng có đứa nhỏ nào biết làm đàn, gảy đàn Chapi nữa. Ông buồn, vì tình yêu Chapi, tình yêu Raglai bỏng cháy trong ông đang thôi thúc ông níu giữ những gì đang nguy cơ vụt mất. Ông lo, cuộc đời mình liệu có đủ dài để kịp truyền lại những ngón đàn Chapi, truyền lại những báu vật từ thuở ông bà... Giấc mơ Chapi đang mờ dần đi nhưng vẫn còn những tấm lòng quyết giữ gìn vốn quý văn hóa của dân tộc. Đó chính là niềm vui, niềm hy vọng cho những ai đã từng đặt chân đến vùng đất này mang về từ mảnh đất Đắc rai. Họ tin một ngày không xa tiếng đàn Chapi lại vang lên để không gian núi rừng thêm bác ái, thêm thanh bình, thêm xanh tươi và giấc mơ Chapi không bao giờ tắt.
 
Theo C.N
(CADN)
.