Tìm giải pháp bảo vệ "biểu tượng của Sầm Sơn"
Cập nhật lúc 15:43, Thứ hai, 24/03/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Sau khi phát hiện hòn Trống Mái, danh thắng cấp quốc gia có nguy cơ bị đổ, từ tháng 10/2013 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng như của thị xã Sầm Sơn đã có nhiều phiên... họp nhưng chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào để bảo vệ “biểu tượng của Sầm Sơn”.
Trước việc hòn Trống Mái có thể bị đổ, ngày 10/10/2013, UBND thị xã Sầm Sơn có Văn bản số 1756/UBND -VHTT báo cáo sự việc với UBND tỉnh, từ đó đến nay, đã có gần chục biên bản, văn bản họp, báo cáo, chỉ đạo... của cấp chính quyền thị xã Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa, nhưng vẫn chưa thấy có biện pháp nào can thiệp để bảo vệ cho hòn Trống Mái trên thực tế!
Bà Nguyễn Thị Hà, Chánh Văn phòng UBND thị xã Sầm Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND thị xã Sầm Sơn đã mời được một cơ quan chuyên ngành từ Hà Nội về khảo sát tại hiện trường vào tháng 3/2014. Đồng thời, UBND thị xã Sầm Sơn chủ trương lập hàng rào bảo vệ và đặt biển cảnh báo, cử người nhắc nhở du khách không trèo lên hòn Trống Mái chụp ảnh và xô đẩy... Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy những biện pháp nêu trên là chưa đủ, vì chưa loại trừ được khả năng hòn Trống Mái trượt vỡ do sự dịch chuyển làm mất cân bằng trọng lực của chính nó từ những tác động địa chấn hoặc tác động ngoại lực nhiều năm qua tạo nên. Hiện tại, một số người dân địa phương đã đổ xi măng một cách tự phát nhằm “giữ chân” hòn Trống Mái.
Thiết nghĩ, chính quyền, cơ quan chức năng thị xã Sầm Sơn cần có biện pháp cấp bách can thiệp để bảo vệ hòn Trống Mái, tránh để danh thắng này phải chịu chung số phận như nàng Tô Thị (ở Lạng Sơn) hay hòn Phụ Tử (ở Hà Tiên),…
P. Ngọc - N.Chi
.