Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung nói trên, rất nhiều phụ huynh, giáo viên các trường THPT ở Hà Nội và các tỉnh lẻ cũng có những ý kiến trái chiều nhau.

 


Bộ trưởng GD&ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, cao đẳng hệ chính quy năm 2012. Theo đó, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định về việc tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi theo Điều 36A. Đồng thời bỏ quy định cấm thí sinh mang phương tiện kỹ thuật thu, phát, ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Khuyến khích thí sinh chống tiêu cực

Cụ thể Điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Không được hút thuốc trong phòng thi".

Bộ cũng bổ sung hẳn một chương quy định về việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi và chế độ báo cáo lưu trữ. Cụ thể bổ sung Điều 36A như sau: Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh bao gồm: Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT; Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ. Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp. Các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

 

PGS Văn Như Cương không đồng tình về những thay đổi, bổ sung trong quy định thi cử của Bộ GD&ĐT. 


Theo đó, Bộ có quy định việc cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh. Cụ thể: Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh; Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này để có biện pháp xử lý; Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.

Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi....

 

Thầy Đỗ Việt Khoa:  “Đây là cách làm hay, để chống gian lận thi cử”

 

Không khả thi


Tuy nhiên, xung quanh những vấn đề trên, trao đổi với PV, PGS.TS Văn Như Cương rất bất ngờ sau khi nhận được thông tin điều khoản sửa đổi bổ sung của Bộ GD&ĐT, cụ thể là việc không cấm thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. PGS Văn Như Cương cho rằng đây là việc làm hết sức thiếu hợp lý của Bộ GD&ĐT. "Cái này không khả thi và dễ dẫn đến cực đoan. Bởi lẽ, nếu thí sinh được đem máy ghi hình, máy ghi âm vào phòng thi thì một phòng có 24 thí sinh thì cả 24 em dùng máy ghi hình cũng được à? Vậy với thời gian ấy để ghi những hình ảnh tiêu cực thì làm sao tập trung vào bài thi. Đó là chưa nói đến kẽ hở tạo gian lận trong thi cử và khó kiểm soát các thiết bị điện tử này. Đọc qua điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung tôi thấy Bộ GD&ĐT chưa quy định chi tiết là được và không được mang những loại máy ghi hình, ghi âm nào, kích cỡ ra sao. Liệu thí sinh đem máy ghi hình to đùng vào phòng thi có được không?".

PGS Văn Như Cương cũng thể hiện rõ quan điểm: Cách tốt nhất chống tiêu cực trong thì cử là nên chống tiêu cực từ Bộ GD&ĐT đến từng đơn vị, từng trường rồi tiếp đến giáo viên, học sinh. Tại sao kỳ thi ĐH thực hiện rất nghiêm ngặt nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT thì quản lý lỏng lẻo. Lý do bởi đơn vị, trường nào cũng muốn đạt thành tích cao với những tỉ lệ ngất ngưởng, thử hỏi làm sao không tiêu cực, gian lận. Vậy nên thay vì sửa đổi, bổ sung những điều luật không thực tế, thì hãy quản chặt việc thi cử và chống tiêu cực trong thi cử thì hợp lý hơn.

Ngay trong ngày 29 - 6 sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung nói trên, rất nhiều phụ huynh, giáo viên các trường THPT ở Hà Nội và các tỉnh lẻ cũng có những ý kiến trái chiều nhau. Sự việc này càng đặc biệt được quan tâm khi vừa qua clip gian lận trong thi cử ở trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) được một thí sinh quay lại và tố giác. Trao đổi về vấn đề này, khá nhiều thầy giáo bậc THPT chia sẻ: "Điều khoản bổ sung của Bộ GD&ĐT hơi lạ. Cấm các thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi là quy định rất hợp lý. Nhưng nếu cho thí sinh mang máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi thì sẽ khó giám sát, quản lý hơn. Tất nhiên những thiết bị đó không có màn hình, không kết nối được với internet thì không thể hỗ trợ gian lận trong thi cử được, nhưng nó rất có thể làm ảnh hưởng đến các thí sinh khác trong quá trình làm bài thi".

Việc của thí sinh trong phòng thi là tập trung làm tốt bài thi. Khuyến khích thí sinh làm việc khác là không nên.

 

Sỹ Hào

 

.