Sự nghiêm minh của luật pháp nhìn từ những việc rất nhỏ
Cập nhật lúc 15:27, Thứ hai, 10/03/2014 (GMT+7)
Trong thời kỳ bao cấp, kinh tế còn eo hẹp, dân ta nghèo khổ thì văn hóa tín ngưỡng (thông qua các lễ bái), các tập tục (thông qua các lễ hội) chưa mấy được để ý đầu tư. Còn hiện nay, mỗi khi xuân về, các lễ hội nổi tiếng như hội: chùa Hương, đền Trần, Lim, Bà chúa Kho, Chùa Bà Ná… (du khách, lễ hội, chùa Thiên Trù, kinh tế, ôtô, luật pháp)
(BVPL) - Trong thời kỳ bao cấp, kinh tế còn eo hẹp, dân ta nghèo khổ thì văn hóa tín ngưỡng (thông qua các lễ bái), các tập tục (thông qua các lễ hội) chưa mấy được để ý đầu tư. Còn hiện nay, mỗi khi xuân về, các lễ hội nổi tiếng như hội: chùa Hương, đền Trần, Lim, Bà chúa Kho, Chùa Bà Ná… lại mở ra đúng hẹn.
Ngay tại hai lễ hội được cho là lớn và nổi tiếng nhất nước ta đó là lễ hội chùa Hương và lễ hội đền Trần, năm nay du khách thập phương đến lễ hội này tăng gấp bội so với những năm trước. Đây chính là cơ hội khiến các tệ nạn phát triển rầm rộ. Năm nay, có lẽ chỉ trừ giá vé đi cáp treo tăng lên đôi chút (từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng một người) còn hầu hết các loại vé từ vé đi đò khứ hồi, vé giữ xe, vé tham quan thắng cảnh đều giữ nguyên. Nhưng đáng buồn thay rất ít du khách đến với lễ hội chùa Hương được hưởng nguyên giá ghi trên vé mà đều phải trả thêm những khoản phụ phí rất vô lý như: Khách đã cầm vé mua chính thức đi đò là 85.000 đồng vẫn không được lên đò nếu không trả thêm tiền. Giá cáp treo tăng 20.000 đồng/vé nhưng khách vẫn phải trả thêm cho “cò” 10.000 đồng mới được lên ca bin... Còn tại đền Trần, các chủ hàng tăng giá thoải mái mà không bị xử lý. Một ấm trà nguội ngắt có giá lên đến 100.000 đồng. Trong đền, người ta chen chúc, xô đẩy nhau để lấy ấn thì ngoài cổng đền ấn giả và ấn thật bán công khai, thoải mái với giá 200.000 đồng/ấn, bất chấp tiếng loa khuyến cáo của Ban tổ chức về nạn ấn giả. Tại các bãi trông xe ôtô ở lễ hội chùa Hương thì tình trạng liên doanh ma quỷ giữa lái đò và chủ bãi trông xe đã trở thành phổ biến. Ai gửi xe vào bãi tư nhân với giá 40.000 đồng thì mau chóng được lên đò. Nhưng khi ra về thì chủ ôtô lại phải trả thêm một lần nữa với lý do “tôi không biết chủ đò là ai”. Ở lễ hội đền Trần thì năm nào cũng như năm nào tình trạng chen lấn, xô đẩy, lộn xộn nhất là khi “cuồng ấn” lên đến đỉnh điểm khiến khung cảnh lễ hội không còn sự tôn nghiêm. Tình trạng hỗn độn này ở lễ hội chùa Hương cũng không kém. Vì du khách quá đông, lực lượng bảo vệ không đủ sức quản lý, hướng dẫn nên tình trạng chen chúc lộn xộn quá mức đã khiến không ít khách phải leo qua tường bao của chùa Thiên Trù. Cũng tại những khu vực tôn nghiêm này, mặc dù Ban tổ chức năm nay lại thêm một lần hùng hồn tuyên bố sẽ ngăn chặn để không còn tình trạng bán thịt động vật hoang dã trước cửa Phật, nhưng buồn thay trên dọc đường hành hương và ngay sân chùa Thiên Trù vẫn thấy bạt ngàn những cửa hàng treo thịt thú rừng đủ loại còn tươi máu.
Ở đền Trần năm nay, khách thập phương còn vô cùng sợ hãi trước sự đeo bám của đám “cái bang”. Trước khi vào đền Trần, du khách phải vượt qua đoạn đường với tầng tầng, lớp lớp ăn mày từ những đám trẻ gầy gò, bẩn thỉu đến các cụ già hom hem, rách rưới ngửa tay ngồi la liệt… So với lễ hội chùa Hương thì tệ nạn ăn mày cũng diễn ra một chín, một mười như lễ hội đền Trần…
Nhiều người tự hỏi, tại sao những việc có thể nói là rất nhỏ ở chốn lễ hội gây phiền phức cho du khách, làm mất đi vẻ đẹp của thắng cảnh nơi thiền môn, mất đi sự linh thiêng của tín ngưỡng truyền thống tồn tại hàng gần hai chục năm nay mà các cơ quan chức năng dường như bất lực?
Trả lời câu hỏi này, người viết bài cho rằng, nguyên nhân chính là sự không nghiêm của luật pháp và sự yếu kém của bộ máy quản lý của nước ta. Vì sao ngay ở các nước láng giềng như Singapore, đường phố sạch sẽ, hoàn toàn không có hiện tượng người dân khạc nhổ, vứt rác ra đường. Đơn giản vì luật pháp Singapore rất nghiêm khắc và có hình phạt nặng với những hành vi dù nhỏ nhất như vứt rác, nhổ bậy ra đường. Các nhân viên thi hành công vụ của Singapore cũng rất nghiêm chỉnh khi thực thi nhiệm vụ. Còn ở nước ta với một bộ máy quản lý gồm đa số những cán bộ tay ngang, không kinh qua chuyên môn hành chính, thêm vào đó tệ nạn tham nhũng lợi dụng chức quyền để kiếm lợi riêng cho mình lại càng khiến bộ máy quản lý địa phương kém hiệu quả. Ai có thể khẳng định những kẻ kiếm lợi trong các phi vụ chặt chém, buôn bán thịt động vật hoang dã, mua bán ấn giả, ấn thật… lại không chia chác, lại quả phong bì cho một vài ông “quan” địa phương để duy trì sự làm ăn của chúng. Trong khi đó, mặc dù tệ nạn của các lễ hội năm nào cũng giống năm nào, cùng xảy ra trên một địa phương mà các vị đứng đầu địa phương, có nhiệm vụ quản lý lại không hề bị khiển trách, mất chức… Với sự không nghiêm của luật pháp, của công tác quản lý mới thấy ở nước ta, ngay những việc rất nhỏ muốn làm thật tốt để ích nước, lợi dân cũng khó, huống hồ các việc lớn, trọng đại….
Nguyễn Hiếu
.