(BVPL) - Nhìn truyện nước ngoài tràn ngập nhà sách, những bộ phim nước ngoài được chiếu ồ ạt ở các rạp của nước ta, làn sóng K-Pop Hàn Quốc xâm nhập vào giới trẻ Việt cùng những chuyến giao lưu với các diễn viên nước ngoài, những người yêu mến và tự hào về văn hóa nước nhà hẳn cũng sốt ruột tự hỏi: Đến giờ thì những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của ta xuất khẩu được?
 


Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà làm văn hóa nghệ thuật đều thừa nhận văn hóa Việt Nam có những nét đặc sắc để làm ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có thể xuất khẩu được. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật như: văn học, phim, ca nhạc của ta còn nhiều hạn chế.

Mấy năm về trước, bộ phim “Đất phương Nam” đã được bán xuất khẩu sang Mỹ, những năm sau đó, một số bộ phim như: “Chuyện của Pao”, “Cánh đồng bất tận”, “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”,” “Chơi vơi”… cũng đã có mặt ở thị trường Mỹ và một số nước khác trên thế giới là minh chứng cho việc xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài có thể khả thi. Nhưng từ đó về sau, việc những bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình của ta hầu như không thấy được xuất khẩu ra nước ngoài nữa, ngoại trừ một số buổi chiếu giới thiệu cho khán giả nước ngoài xem. Mới đây, với việc hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng làm phim, việc một số Việt kiều nhanh nhạy về nước làm phim… đã nhen nhóm lại hy vọng xuất khẩu phim ra nước ngoài.

Ở lĩnh vực văn học, chỉ mới có một số tác phẩm văn học nổi tiếng của ta như: “Nỗi buồn chiến tranh”, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp… được dịch ra tiếng nước ngoài. Còn việc xuất khẩu tác phẩm văn học Việt, hầu như là con số không. Cho đến nay, hàng chục năm trôi qua, chưa thấy có động thái nào từ phía Nhà nước lẫn tư nhân là sẽ xuất khẩu văn chương Việt ra nước ngoài mà chỉ thấy truyện nước ngoài được dịch và in tràn lan ở nước ta.

Còn ở lĩnh vực âm nhạc, ngoài việc một số nghệ sĩ đã sang nước ngoài biểu diễn và album “Chat với Moza” của ca sĩ Mỹ Linh được bán ở Nhật, thì những ca khúc Việt xuất hiện ở nước ngoài gần như chỉ là ước mơ. Với gia tài đặc sắc của nền âm nhạc truyền thống và từng có những tên tuổi, thế hệ nhạc sĩ vang danh nhưng nền âm nhạc, cụ thể là những ca khúc Việt, chưa hội nhập và phát triển được cùng với thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc sau vài thập kỷ đổi mới, họ đã hình thành nên một thể loại ca nhạc riêng là K-Pop và đã làm mưa làm gió ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khi bàn đến chuyện làm gì để những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của ta như: văn học, phim, ca nhạc, có thể xuất khẩu được, nhiều nghệ sĩ bày tỏ rằng cần có chính sách và chiến lược đầu tư từ Nhà nước. Trong đó có hai yếu tố then chốt là đầu tư kinh phí và đầu tư vào chuyên môn và khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm.  

Không chỉ các nước có nền nghệ thuật phát triển, mà nhiều nước ở Đông Nam Á, cũng đã có những chính sách, chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này. Thái Lan từ lâu đã xem phim truyền hình như một ngành công nghiệp giải trí, thường xuyên xuất khẩu phim. Phim truyền hình Malaysia cũng đã có mặt ở 64 nước trên thế giới... Để có được kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu cùng với những chính sách rất cụ thể. Đơn cử như Chính phủ Malaysia đã quyết định nâng mức đầu tư từ 1,6% GDP năm 2010 lên 6,5% GDP năm 2020 để phát triển công nghiệp sản xuất phim truyền hình. Tính đến năm 2012, mỗi năm Malaysia bán phim điện ảnh và truyền hình được 60 triệu USD, tiến tới 130 triệu USD năm 2020. Mỗi năm, lĩnh vực phim ảnh nhận được một khoản đầu tư khoảng 1,6% GDP của Malaysia. Chính phủ viện trợ không hoàn lại 30% kinh phí sản xuất phim hợp tác với nước ngoài.

Trong khi đó, cho đến nay việc tìm đường xuất khẩu phim truyền hình của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những nỗ lực của các đoàn làm phim, của các tổ chức đơn lẻ. Phía Nhà nước vẫn chưa có chính sách nhất quán để đưa phim Việt đến với các kênh sóng truyền hình trên thế giới. Phim điện ảnh cũng lâm vào cảnh tương tự.

Còn ở lĩnh vực âm nhạc, đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Thị trường ca khúc trong nước vẫn dậm chân tại chỗ, không có tác phẩm nổi bật, không bứt phá lên được nói gì đến việc hình thành ra một trào lưu để xuất khẩu như K-Pop của xứ Hàn!

Ở mảng văn học, chúng ta có nhiều tác phẩm hay, đủ sức thu hút bạn đọc nước ngoài, nhưng do chưa có chiến lược dịch và quảng bá, bán ra nước ngoài nên những gia tài này hiện đang bị lãng quên.

Xuất khẩu sản phẩm văn hóa nghệ thuật không chỉ đem lại lợi nhuận về kinh tế mà nó còn giúp định vị, tạo vị thế và sự ảnh hưởng cho đất nước ta với thế giới, bởi đó là thứ quyền lực mềm.
 

Đức Thọ

.