leftcenterrightdel
Cổng lên đền thờ Quang Trung 

Cách đây 230 năm, vào năm 1788, trên con đường hành quân thần tốc hướng về kinh đô Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh, khi đi qua trấn thành Nghệ An, nhận thấy vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân là vùng đất thiêng, có đủ Long, Ly, Quy, Phượng, cận thủy tựa sơn, có núi cao sông rộng làm thành lũy tự nhiên... Hoàng đế Quang Trung đã lựa chọn để xây dựng Trung đô Phượng Hoàng thành. Sự kiện đó, đã mở ra một dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của thành phố Vinh.

leftcenterrightdel
Quang cảnh đề thờ được xây dựng trên đỉnh núi 

Theo sử sách ghi lại thì khi đại phá quân Thanh xong mà tiêu điểm là chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, Hoàng đế Quang Trung đã có chiếu xây dựng Trung Đô, núi Dũng Quyết làm thành trì để dời đô từ Phú Xuân về Nghệ An.

Vừa đánh tan giặc Thanh, vua Quang Trung bắt tay vào xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Thành được xây bằng đất, đá ong, hình tứ giác chu vi khoảng 2.820m, bờ thành cao từ 3-4 m, diện tích rộng 22 ha.

Bao quanh phía ngoài thành có con hào rộng khoảng 30 m, sâu từ 2,5-3 m. Thành nội xây bằng gạch vỗ và đá ong, chu vi 1.680 m cao 2 m. Trong thành nội có tòa lầu rộng 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp bằng đá ong, phía sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa là nơi dùng cho việc thiết triều của vua Quang Trung.

leftcenterrightdel
Sự uy nghiêm của đền thờ Hoàng đế Quang Trung 

Tuy nhiên, sự nghiệp dời đô của vua Quang Trung chưa thành thì ông đã lâm trọng bệnh và băng hà. Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xây dựng đề thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (vùng đất trước đây Nguyễn Huệ đã chọn làm Hoàng thành).

leftcenterrightdel
Du khách thập phương đầu năm đi thăm nơi thờ người anh hùng áo vải 

Đền thờ tọa lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết có độ cao 97 m so với mặt nước biển. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008. Đền có qui mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp; có tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, các đồ lễ tế khí … được phục chế theo văn hóa thời nhà Nguyễn.

Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản...

leftcenterrightdel
Đền thờ sẽ kỹ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi 

Để kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi cũng như 230 năm Phượng Hoàng Trung Đô, đền Quang Trung (TP. Vinh) tổ chức nhiều nghi lễ trên trọng và những trò chơi dân gian để mừng lễ.

leftcenterrightdel
Quá trình xây dựng di tích được lưu lại 

Cũng tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND, triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Theo kế hoạch, đi đôi với công tác thông tin, tuyên truyền, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động, như: Biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực Công viên Văn hóa Đống Đa và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước gắn với chào mừng kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học và nhân dân tổ chức dâng hương tưởng niệm tại khu vực tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Tổ chức lễ tưởng niệm 226 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung; 219 năm ngày mất Công chúa Lê Ngọc Hân tại Công viên Văn hóa Đống Đa và tham gia các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại Gia Lâm (Hà Nội), Tây Sơn (Bình Định).

Chủ trì tổ chức lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; đơn vị thực hiện là quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; thời gian từ 6h đến 21h ngày 9/2/2019 (Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi); địa điểm tại Công viên Văn hóa Đống Đa, Hà Nội (Số 4 phố Đặng Tiến Đông, phường Quang Trung, quận Đống Đa).

Lê Sử