Tại sao người ta luôn phải nhắc đi nhắc lại rằng, điện ảnh Việt (và nhiều lĩnh vực khác) đã đi sau thế giới hằng trăm năm?
 
 
Kể về bộ phim đang trong quá trình sản xuất The last face (Gương mặt cuối cùng), ông Jon Kuyper bày tỏ đó là dự án lớn- dự án ông và những cộng sự của mình đều tâm huyết với những câu chuyện xúc động trong kịch bản, câu chuyện về những bác sĩ xuyên quốc gia đã vượt mọi khó khăn đến châu Phi khám chữa bệnh bằng tình yêu thương, nhân đạo. Ở vị trí sản xuất, ông Jon đã tính toán chi tiết chuyện mời đạo diễn nào đảm nhận bộ phim, chuyện bối cảnh sẽ được chọn lọc ra sao, và cả việc dàn diễn viên toàn “sao” sáng giá như Sean Peen, Charlize Theron, Javier Bardem… sẽ đảm bảo doanh thu khi phim ra rạp. Ngay cả kế hoạch The last face sẽ tham gia LHP Cannes 2016, thậm chí cả trên danh sách dự tranh Oscar năm tới, cũng đã nằm luôn trong kế hoạch sản xuất phim này.
 
Bên cạnh việc chia sẻ những kế hoạch đang ấp ủ cho The last face, ông Jon cũng cởi mở tâm sự về những kế hoạch sản xuất hàng loạt những phim đã thành công vang dội trước đó như Chúa tể của những chiếc nhẫn, Người Hobbit, Gatsby vĩ đại… Để “sản xuất 50 phim không lỗ phim nào”, mỗi dự án phim với ông Jon Kuyper đều là một dự toán tài chính được cân nhắc kỹ lưỡng, tỷ mỉ về sự đầu tư từ nội dung kịch bản, đạo diễn, diễn viên, bối cảnh…
 
Một bộ phim là một dự án tài chính, ở đó, tiền được đầu tư cho một câu chuyện giàu tính nghệ thuật được chuyển thể từ kịch bản lên màn ảnh, điều quan trọng là: làm thế nào để đông đảo khán giả quan tâm và mua vé đến xem câu chuyện đó. Dòng chảy của đồng tiền trong dự án phim là dòng chảy của sự cân nhắc, suy tính chi ly, tỉ mỉ.
 
Cách đây vài năm, có một bộ phim Việt được nhà nước đặt hàng, đầu tư giá “khủng” (vào thời điểm đó) để chào mừng một ngày lễ kỷ niệm. Người viết có dịp theo chân đoàn làm phim. Vai trò “giám đốc sản xuất” trong một đoàn làm phim ở Việt Nam thường được gọi là: Tổ chức sản xuất, hoặc Chủ nhiệm phim. Người giữ vai trò “Tổ chức sản xuất” cho bộ phim được nhà nước đầu tư “khủng” kia được biết chính là… vợ của đạo diễn. Công việc chính của “Tổ chức sản xuất” chỉ đơn giản là lo chi tiêu ăn uống, thuê bối cảnh, trả thù lao cho diễn viên và các thành phần khác trong đoàn làm phim.
 
Hiện nay, vị trí “Giám đốc sản xuất” cũng vẫn là vị trí… xa xỉ trong các dự án phim Việt. Vẫn tồn tại một “tổ chức sản xuất”, một “chủ nhiệm phim” đi theo đạo diễn cho chi trả cho các chi phí thuê đạo cụ, thuê bối cảnh, thuê phục trang, và trả thù lao cho các thành phần khác nhau trong đoàn. Và đạo diễn là người phải tự biết quán xuyến công việc cho bộ phim của mình, từ khi còn là kịch bản đến khi phim ra rạp.
 
Theo Pháp luật & đời sống
.