Ba năm liên tiếp gần đây, Petrolimex - đơn vị chiếm 60% thị phần kinh doanh xăng dầu của cả nước - đã lãi hàng ngàn tỉ đồng, bất chấp nhiều thời điểm người dân phải mua xăng dầu giá cao.


1
Petrolimex luôn miệng kêu lỗ nhưng thực chất lãi lớn - Ảnh: Thuận Thắng

Dư luận lâu nay vẫn tin rằng các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ vì giá trong nước phải kềm giữ, bất chấp giá thế giới tăng cao. Cụ thể, tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) năm 2008 kêu lỗ cả chục nghìn tỉ đồng, thế nhưng nay trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, Petrolimex cho biết lãi trên 913 tỉ đồng.

Bất ngờ hơn, cả ba năm liên tiếp gần đây Petrolimex, đơn vị chiếm 60% thị phần kinh doanh xăng dầu của cả nước, đã lãi hàng nghìn tỉ đồng, bất chấp nhiều thời điểm người tiêu dùng phải mua xăng dầu giá cao.


 

“Phải bù lỗ”...

Năm 2008 là một trong những năm giá dầu thô tăng cao và biến động khôn lường, đỉnh điểm của năm này là giá xăng dầu trong nước tăng đến 30% vào giữa tháng 7. Để kiềm chế lạm phát, không cho tăng giá xăng dầu, Nhà nước dù thắt lưng buộc bụng vẫn phải chi hàng nghìn tỉ đồng bù lỗ dầu và hỗ trợ mặt hàng xăng.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII năm 2008, trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với mặt hàng xăng dầu có đoạn: “...Do giá đang tăng cao và biến động rất phức tạp, với giá bán hiện tại mức bù lỗ là rất lớn. Trong tình hình lạm phát hiện nay, việc xử lý giá xăng dầu cần được cân nhắc cẩn trọng dựa trên khả năng bù lỗ của ngân sách.

Nếu lấy bình quân giá dầu thô thế giới nửa tháng gần đây (128 USD/thùng) và giữ ổn định giá bán trong nước như hiện nay thì mức lỗ cả năm ước là 40.600 tỉ đồng, nếu lấy giá bình quân năm ngày gần đây, từ ngày 23 đến 27-5 là 132 USD/thùng thì mức lỗ cả năm ước khoảng 44.800 tỉ đồng”.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Thủ tướng trước Quốc hội, phần nói về diễn biến giá xăng dầu có đoạn: “Theo dự báo từ cuối tháng 3-2008, với mức giá dầu thô thế giới khoảng 100-110 USD/thùng, Chính phủ đã chỉ đạo ổn định giá bán xăng dầu trong nước đến hết tháng 6-2008 và dự kiến ngân sách sẽ phải bù lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng cả năm, tương đương mức bù lỗ năm 2006. Nếu giá dầu thô thế giới tăng trên mức 110 USD/thùng, để giữ nguyên giá bán xăng dầu trong nước như hiện nay thì ngân sách sẽ phải bù lỗ lớn hơn và cũng rất khó có khả năng cân đối...”.

Một năm sau đó, cũng vào giữa tháng 7- 2009 khi liên bộ Tài chính - Công thương - Thông tin - truyền thông họp báo điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết trong năm 2007-2008 các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã lỗ khoảng 4.040 tỉ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp vay 4.038,5 tỉ đồng (vì thời điểm này mặt hàng xăng đã theo cơ chế thị trường nên không được bù lỗ - PV). Cũng tại thời điểm họp báo này, Bộ Tài chính xác nhận các doanh nghiệp còn nợ trên 2.500 tỉ đồng chưa trả cho ngân sách từ khoản tạm ứng kia.

Riêng với mặt hàng dầu, khoản lỗ của doanh nghiệp trong năm 2008 được bù theo hướng dẫn của thông tư 26/2009/TT-BTC.


Petrolimex luôn than lỗ nhưng thực tế cho thấy đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận - Ảnh: T.THẮNG

Và lãi to

Cuối năm 2009, khi công bố kết quả hoạt động kiểm toán về cấp bù lỗ xăng dầu, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách nhà nước đến 938 tỉ đồng vì các lý do như một số đầu mối áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định, phần lớn đầu mối phân bổ chi phí không đúng đối tượng, chưa tính toán đầy đủ các khoản thu chi hoạt động khác liên quan đến kết quả kinh doanh mặt hàng dầu... Vì thế Kiểm toán Nhà nước đề nghị phải giảm số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu.

Năm 2008, các đầu mối xăng dầu kêu lỗ nặng, cả xã hội lẫn cơ quan quản lý nhà nước cùng hài hòa chia sẻ lợi ích. Nhưng nay khi Petrolimex cổ phần hóa, trong báo cáo tài chính khẳng định kinh doanh xăng dầu năm 2008 đạt lợi nhuận sau thuế đến 913,7 tỉ đồng quả là điều khó hiểu.

Petrolimex lãi như thế nào?

 

Ông Bùi Ngọc Bảo - Ảnh: NGUYỄN BẰNG
Thực chất Petrolimex lãi như thế nào? Ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Petrolimex - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

 

* Thưa ông, trong bản cáo bạch có đề cập chín tháng năm 2011 dự kiến lỗ từ kinh doanh xăng dầu trên 1.220 tỉ đồng. Trong khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông xác nhận sáu tháng đầu năm nay lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng. Những tháng còn lại Petrolimex sẽ lỗ hay lãi?

 

- Chúng tôi có lãi từ tháng 6 đến nay, còn từ tháng 7 đến tháng 9 là dự báo. Những khoản lỗ năm tháng đầu năm sẽ được nhà nước có biện pháp xử lý. Chúng tôi sắp phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng nên muốn đưa một thông điệp rõ ràng cho nhà đầu tư về chuyện lời lỗ này.

 

Việc Nhà nước xử lý khoản lỗ đó không phải là bù lỗ mà do chúng tôi tham gia chương trình bình ổn giá. Việc xử lý này theo tôi được biết không dành riêng cho Petrolimex mà cho tất cả đầu mối.

 

* Petrolimex cũng dự báo quý 4 năm nay và cả sang năm những khoản lãi rất lớn dựa trên cơ sở nào?

 

- Từ quý 4 trở đi chúng tôi đã trở thành công ty cổ phần. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là thị trường xăng dầu sẽ được vận hành theo nghị định 84, nghĩa là doanh nghiệp được chủ động về giá. Chính vì thế dựa trên sản lượng bán ra, mức tăng trưởng hằng năm cũng như lợi nhuận định mức được quy định là 300 đồng/lít, chúng tôi đưa ra mức lợi nhuận dự báo như trong bản cáo bạch.

 

* Những năm trước, hầu hết các đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex, đều kêu lỗ, nhất là năm 2008 có nhiều biến động, nhưng báo cáo tài chính cho thấy Petrolimex có lãi từ kinh doanh xăng dầu trên 900 tỉ đồng?

 

- Năm 2008 đúng là kinh doanh xăng dầu nội địa rất khó khăn, chúng tôi bị lỗ lớn, cả chục nghìn tỉ đồng. Nhưng vì sao có khoản lãi trên 900 tỉ đồng là thế này: Năm 2008 giá thế giới tăng đến đỉnh điểm, giá trong nước do Nhà nước điều tiết.

 

Nhà nước bù lỗ để ổn định giá trong nước nhưng chỉ bù cho mặt hàng dầu với số tiền rất lớn. Còn xăng thì không bù dù không cho tăng giá bán lẻ. Chúng tôi lỗ lớn. Nhưng Nhà nước ứng trước 1.400 tỉ đồng cho các khoản lỗ này rồi trừ dần. Cứ mỗi lít xăng được ứng 1.000 đồng, tương tự như dùng quỹ bình ổn giá bây giờ.

 

Vì thế, chúng tôi xem khoản lỗ này được Nhà nước xử lý (ứng giúp) nên trong hạch toán phát sinh khoản lợi này. Chứ bản chất là lỗ. Những doanh nghiệp nào trả được nợ sớm thì tiết kiệm được chi phí, có lãi. Do trả nợ sớm nên qua đến năm 2009 Petrolimex đã có lãi lớn.

 

* Thưa ông, thời gian từ tháng 6 đến nay giá thế giới giảm, Petrolimex cũng xác nhận có lãi nhưng giá bán lẻ không giảm, mức chiết khấu cho đại lý lại tăng lên rất cao, có nơi đến 1.000 đồng/lít. Dư luận đặt vấn đề là các đầu mối chuyển lãi sang các tổng đại lý, đại lý là công ty cổ phần có phần vốn góp của mình?

 

- Tôi không biết các đầu mối có cổ phần trong các tổng đại lý thế nào. Nhưng khi nói đến mức chiết khấu thì phải nói đến bình quân vì có lúc chúng tôi chỉ chiết khấu 50-100 đồng/lít. Các tổng đại lý, đại lý cũng cần lấy lời bù cho khoản lỗ trước đây.

 

 Tôi biết mức chiết khấu bình quân 500-600 đồng/lít là được, không thể cao hơn 600 đồng. Nếu vận hành theo đúng nghị định 84, mức chiết khấu ổn định khoảng 500 đồng/lít thì tôi chắc là các đầu mối phải giảm giá bán lẻ chứ không thể tăng chiết khấu mãi.

 

* Một Petrolimex cổ phần sẽ khác gì so với một Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước? Liệu với bước chuyển này có thể hi vọng một ngày nào đó người tiêu dùng sẽ mua xăng dầu ở các mức giá khác nhau tại cửa hàng của doanh nghiệp khác nhau?

 

- Về bản chất, Petrolimex vẫn là doanh nghiệp nhà nước không có gì thay đổi vì vốn nhà nước vẫn đa số. Chúng tôi vẫn là công cụ điều tiết của Nhà nước. Điểm khác biệt lớn nhất là có sự tham gia của các cổ đông khác ngoài Nhà nước nên Petrolimex sẽ minh bạch hơn, công khai hơn.

 

Đúng là có chuyện hình ảnh các công ty xăng dầu trong mắt người tiêu dùng không được thân thiện do bức xúc chuyện giá cả cũng như việc nơi này nơi khác bán hàng không đủ số lượng... Việc bức xúc về giá của người tiêu dùng là đúng do cơ chế vừa qua chưa được vận hành hoàn hảo theo nghị định 84. Một khi thực hiện đầy đủ theo nghị định này, doanh nghiệp được chủ động thì bức xúc kia cũng sẽ hết. Còn chuyện cửa hàng bán không đúng số lượng, chất lượng hay ăn gian thì đúng là có trách nhiệm rất lớn của doanh nghiệp đầu mối.

 

Nhưng có lẽ ở doanh nghiệp nào cũng vậy, việc quản lý con người cực khó, nhất là đơn vị có đội ngũ nhân viên bán hàng lớn như chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi phải chấn chỉnh, đề ra quy trình chuẩn hơn, giám sát và chế tài nghiêm khắc hơn.

 

Lê Nguyên Minh thực hiện

Tuoitreonline