leftcenterrightdel
Lô cốt 2 trên núi Tượng. 

Núi Tượng có tên chữ là Liên Hoa Sơn, cao 145m, thuộc hệ thống Thất Sơn (Bảy Núi). Du khách có thể đến với núi Tượng qua ngả Tịnh Biên - Ba Chúc (25km) hoặc Tri Tôn - Ba Chúc (18km). Từ TP. Hồ Chí Minh về huyện biên giới Tịnh Biên chừng 300km. Nhà văn Sơn Nam đã từng viết về vùng đất này: Vùng Ba Chúc (quanh núi Tượng), thung lũng nhỏ, cổ kính, có cảnh “trước miễu, sau chùa”, miễu (là đình làng độc đáo, thờ trăm quan đại thần) cất phía trước, chùa phía sau, kề sát nhau. Câu ca dao khá xưa, dễ gợi giây phút lâng lâng:

Dạo chơi trước miễu, sau chùa.
Đụng người mua bán quê mùa thiếu chi.

                
Chúng tôi dừng chân gửi xe ở một quán nước dưới chân núi. Em Trần Công Đoàn, học sinh cấp II- dân núi Tượng, vui vẻ dẫn chúng tôi lên núi. Theo Đoàn cho biết, ban đầu em ngỡ chúng tôi tìm về núi Tượng để viếng mộ những người thân năm xưa đã bị bọn Khmer Đỏ sát hại trên núi hoặc có thể là các chú bộ đội từng trấn thủ trên “Cốt 1, Cốt 2!” (lô cốt) về thăm chiến trường xưa!

Đường lên núi bắt đầu từ bên hông Trường Tiểu học B Ba Chúc. Trần Công Đoàn đi thoăn thoắt theo một lối mòn nhỏ, chúng tôi cố bám theo cậu ta mệt đến bở hơi! Chúng tôi xuyên qua rừng tầm vông rậm rạp theo đường sơn đạo quanh co hiểm trở, hai bên đường có khá nhiều cây cối hoang dại như: trâm, sung, mét, săng máu… xen lẫn với xoài, mít, me, đào um tùm, mát mẻ. Đi được nửa đường đến lưng chừng núi, chúng tôi dừng lại xả hơi. Cảnh vật trên núi hoang sơ, vắng vẻ, chim sâu nhảy nhót, ríu rít trong những vòm lá xanh rậm rạp, thi thoảng có tiếng hót ngân dài lanh lảnh. Chúng tôi hỏi Đoàn thì em bảo, mấy chú lắng nghe kỹ đi, đó là tiếng chim “bắt cô… trói cột… bắt cô… trói cột”!

Chúng tôi gặp một vị “đạo sĩ” đi lấy củi và xắn măng trên núi xuống. Ông “Năm núi Tượng” kể lại vài nét về lịch sử Liên Hoa Sơn: Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, thầy Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang, lập ấp, sau này trở thành làng An Định với 14 thôn. Ông dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai, tín đồ các nơi gom về ngày càng đông đúc.
    
Năm 1885, thầy Ngô Lợi cùng với các đệ tử kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, nhưng bị quân Pháp trấn áp. Chúng cho đóng đồn dọc kênh Vĩnh Tế để theo dõi, chế ngự. Lần “đạo nạn” này, thầy Ngô Lợi cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Đến khi trở về, nhà cửa, chùa chiền chỉ còn lại là những đống tro tàn. Trong vòng từ năm 1876 đến 1888, quân Pháp đã 7 lần đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An -Định! Năm 1887, thực dân Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức hơn 400 gia đình với gần 2.000 người xuống tàu về bản quán! Thầy Ngô Lợi bị thực dân Pháp truy bắt gắt gao nhiều lần nhưng đều thoát khỏi. Bởi vậy, dân gian đồn đại ông có phép “tàng hình”. Ông viên tịch năm 1890 tại núi Tượng.

Chúng tôi lại lên đường với quyết tâm “chinh phục” đỉnh Liên Hoa Sơn! Càng lên cao, đường càng dốc, có nơi gần như thẳng đứng phải chen lách qua những khe, gờ, hẻm đá, tay phải bám những thân tầm vông, dây leo chằng chịt tiến lên từng bước một. Công Đoàn đi trước cảnh báo cho chúng tôi những đoạn khó, hiểm trở và đề phòng những loại cây có gai đâm, quệt. “Đến rồi! Cố lên mấy chú ơi!”- tiếng cậu ta vang vang chót vót trên đỉnh núi. Chỉ nghe tiếng nhưng không thấy người đâu, bởi những tảng đá khổng lồ đã che khuất cậu ấy!

“Ô kìa”- chúng tôi reo lên phấn khích, bao mệt nhọc đã tan biến khi lên tới đỉnh núi Tượng. Và, “Cốt 1, Cốt 2” sừng sững, hùng vĩ như hai người chiến sĩ khổng lồ, oai phong đứng canh giữ đất trời biên cương Tổ quốc. Quả đây đúng là biểu tượng, ý chí kiên cường của quân dân ta trong những năm chiến tranh chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới Tây Nam. Quá khứ dẫu đã lùi sâu trong ký ức, nhưng vẫn còn đây không gian, đất trời với “Cốt 1, Cốt 2” một thời hào hùng!

Ngược dòng thời gian…

Ngày 18/4/1978, quân  Khmer Đỏ tràn qua biên giới đánh vào Ba Chúc (Tịnh Biên). Đến ngày 22/4, bọn Pol Pot chiếm được khu vực này và đã gây ra những tội ác vô cùng dã man, khủng khiếp! Có hơn 3.000 dân thường Ba Chúc vùng quanh núi Tượng và núi Dài đã bị quân Khmer Đỏ thảm sát. Một số người trốn vào các hang động của núi Tượng ẩn nấp. Vài ngày sau, họ bị bọn Pol Pot phát hiện và giết hại. Số người còn lại chạy về xã Lương Phi gần đó do ta kiểm soát, trên đường bị địch phục kích chỉ còn 10 người sống sót (theo lời kể của ông Bùi Văn Lê (Ba Lê), 70 tuổi, ở ấp Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc).

leftcenterrightdel
Cánh đồng Ba Chúc. 

Ngày 1/5/1978, bộ đội ta phản công, đánh chiếm lại toàn bộ khu vực núi Tượng, núi Dài, địch bỏ chạy về bên kia biên giới. “Cốt 1, Cốt 2” được quân dân ta xây dựng trên đỉnh núi Tượng như hai pháo đài, ở địa thế hiểm yếu làm điểm phòng thủ và cảnh giới. Từ đó về sau, bọn Pol Pot không thể nào xâm nhập, lấn chiếm, quấy phá vùng biên giới Tịnh Biên…

Cốt 1, Cốt 2 nằm trên hai tảng đá lớn cách nhau chừng 5m. Cốt 2 ở vị trí cao hơn Cốt 1 độ 3m, cả hai đều có những lỗ châu mai hướng về phía Tây. Hai lô cốt này được xây dựng bằng đá núi ghép lại, hình khối viên trụ, đường kính đáy cỡ 3m, đường kính đỉnh khoảng 2,5m, có một cửa hông ở phía Nam. Mỗi lô cốt có thể chứa một tiểu đội. Dưới tảng đá của lô cốt là hang Vồ Đá Dựng, thâm u, bí ẩn, sâu hun hút, hầu như chưa ai dám xuống! Chung quanh lô cốt có rất nhiều hang hốc, gờ đá rất thuận lợi cho phòng thủ, ở phía Đông có lối mòn lên lô cốt - đây là đường tiếp tế vận chuyển lương thực, đạn dược lên điểm.

Đứng trên nóc hai lô cốt trên đỉnh núi Tượng, bạn có thể quan sát gần như toàn bộ phía Tây, sẽ thấy nhà cửa lô nhô dưới chân núi, vườn tược, đồng ruộng xanh tươi, xa xa là vùng núi Tà Lơn của đất Campuchia…

Về miền Tây, đến với Thất Sơn, leo núi Tượng tìm đến hai pháo đài “Cốt 1, Cốt 2”, khám phá 15 hang động của Liên Hoa Sơn sẽ là chuyến đi thú vị, bổ ích đối những ai muốn khám phá, tìm hiểu vùng bán sơn địa của miền đất Tây nam Tổ quốc mến yêu.

Ghi chép của Đặng Hoàng Thám