(BVPL) - Do ảnh hưởng của El Nino, nên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vừa qua nắng nóng gay gắt, gây khô hạn trên diện rộng. 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn 28,11 triệu m3 nước, trong đó tổng diện tích hồ chứa nước là 192,21 triệu m3 nước, đạt 14,6% dung tích thiết kế. Trong đó có hồ cạn dưới mực nước chết, đơn cử như hồ Sông Trâu (nằm tại xã Xã Phước Chiến –Thuận Bắc- Ninh Thuận).
 
Hồ Sông Trâu cạn dưới mực nước chết
Hồ Sông Trâu cạn dưới mực nước chết
 
Mực nước chết tại hồ Sông Trâu
 
Hồ Sông Trâu được xây dựng năm 2003,  đưa vào sử dụng năm 2006 , diện tích lưu vực: 66 km2, có dung tích hữu ích: 31,53 triệu m3 nước,  mực nước bình thường là 42,3m, mực nước chết của hồ là 28,7m. Chúng tôi có mặt tại hồ khi trời vừa mới mưa,  nhưng mực nước của hồ vẫn ở dưới mực nước chết. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp của khu vực. Bởi hồ sông Trâu ngoài việc cung cấp nước cho nông nghiệp thì còn là nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước của Cty Cổ phần Thành Trung Ninh Thuận, với công suất 6000 m3/ngày và trạm bơm nước sạch nông thôn ở đây.
 
Được biết, ngày 10/9/2010, Cty Cổ phần Thành Trung Ninh Thuận (địa chỉ thôn Hiệp Kiết – Công Hải – Thuận Bắc – Ninh Thuận), được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy nước sinh hoạt phục vụ nhân dân  và các dự án du lịch phía Bắc tỉnh Ninh Thuận. Khi mực nước hồ xuống đáy lòng chảo, chất lượng  và lưu lượng nước sẽ không đủ và không đảm bảo cung cấp cho sản xuất sản nông nghiệp và nhà máy nước  Cty Thành Trung. Việc này dẫn đến Cty Thành Trung sẽ không thể đủ nước cung cấp cho các dự án đầu tư và phát triển du lịch ven biển của phía Bắc tỉnh Ninh Thuận, nhất là huyện Thuận Bắc.
 
Việc xây dựng nhà máy nước sinh hoạt với công suất 6000 m3 nước/ ngày, và nguồn nước  của nhà máy được lấy từ hồ Sông Trâu, là hồ không phải thuộc diện lớn, thường xuyên bị cạn nước,  không được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, dự án này vẫn được tỉnh Ninh Thuận phê duyệt. Đây có thể là quyết sách sai lầm của tỉnh Ninh Thuận, làm các dự án du lịch ven biển tại huyện Thuận Bắc của tỉnh Ninh Thuận dậm chân tại chỗ, không dám triển khai vì lo sợ khi dự án hoàn thành mà bị “khát” nước ngọt thì tất cả các nhà đầu tư vào đây sẽ bị phá sản.
 
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Thọ (Phó giám đốc Liên đoàn quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung) cho biết: Chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, trong đó có hồ sông Trâu. Mực nước của hồ sông Trâu thay đổi giảm mạnh các tháng mùa khô, từ 32-35,5m. Nguồn nước của hồ lệ thuộc vào nước mưa, trời không mưa hồ bị thiếu nước nghiêm trọng. Đặc biệt, mùa khô hạn năm 2015- 2016 mực nước hồ giảm xuống nhỏ hơn mực nước chết rất nhiều, thậm chí có lúc cạn khô đáy. Mới đây vào tháng 5/2016, hồ Sông Trâu còn cạn trơ đáy, người dân còn phải xuống đáy lòng hồ cuốc đất tìm nước.  Việc xây dựng nhà máy nước của Cty CP Thành Trung Ninh Thuận lấy nguồn từ hồ Sông Trâu cấp cho ăn uống sinh hoạt với công suất 6000 m3/ngày thì cần phải xem xét lại về cả trữ lượng và chất lượng. Bởi lẽ vào mùa khô hạn, chắc chắn hồ Sông Trâu không thể cung cấp hàng nghìn m3 nước sạch cho nhà máy này. 
 
Tiến sĩ Hồ Minh Thọ: Hồ Sông Trâu chắc chắn không đủ nước thường xuyên để cấp cho dự án nhà máy nước sạch công suất 6000 m3/ngày của Cty CP Thành Trung.
Tiến sĩ Hồ Minh Thọ: Hồ Sông Trâu chắc chắn không đủ nước thường xuyên để cấp cho dự án nhà máy nước sạch công suất 6000 m3/ngày của Cty CP Thành Trung.
 
Cũng theo tiến sĩ Hồ Minh Thọ: Hồ Sông Trâu theo thiết kế ban đầu chủ yếu cung cấp nước cho nông nghiệp, nay dùng nước hồ để cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt là phản khoa học, chắc chắn hồ không thể đủ nước được. Theo nguyên tắc, khi hồ ở mực nước chết, thì hồ không thể có đủ nước sạch cung cấp hàng nghìn m3 nước/ngày. Lúc này, nước của hồ là lớp nước tầng đáy, duy trì mực nước tự nhiên, nhiều bùn , bẩn, không thể  cung cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt của doanh nghiệp Thành Trung được. Tỉnh Ninh Thuận là tỉnh khô hạn thường xuyên, một năm có ba tháng mưa, lượng nước mưa thấp, muốn có đủ nước phục vụ sinh hoạt của người dân và phát triển du lịch ven biển phía Bắc tỉnh Ninh Thuận thì cần phải có quy hoạch chi tiết về nguồn nước, và thực hiện đề án này, thì sẽ giải bài toán về nguồn nước ở đây. Chúng tôi đã làm chủ đề tài quy hoạch nguồn nước cho tỉnh Ninh Thuận từ năm 2014 -2015, nhưng đến nay chưa thấy UBND tỉnh thực hiện, chắc do thiếu kinh phí.
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận có khoảng 4099 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, riêng huyện Thuận Bắc theo thống kê ban đầu  hiện có 4421 người thiếu nước sinh hoạt.
 
Sản xuất nước sạch nhưng không dùng
 
Trao đổi với chúng tôi ông Tạ Bá Ánh, đại diện Cty CP Thành Trung Ninh Thuận cho biết: Hiện nay do hạn hán, nên hồ Sông Trâu phải cắt toàn bộ nước cung cấp cho trồng trọt nông nghiệp ở đây, để còn nước cung cấp cho dự án nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt của công ty. Nhà máy nước của Cty Thành Trung mới hoạt động từ tháng 2 năm 2016, bán nước cho CTy Yến Sào Khánh Hòa, mỗi ngày từ 100 đến 300m3. Ông Ánh thừa nhận, việc cấp nước cho nhà máy mà cắt nước nông nghiệp, không nhận được sự đồng tình của người dân ở Ninh Thuận. Bởi lẽ dự án nằm trên đất Ninh Thuận, lại cấp nước cho doanh nghiệp tại Khánh Hòa còn người dân huyện Thuận Bắc không được sử dụng nguồn nước hồ Sông Trâu để trồng trọt, đành để ruộng bỏ không hàng nghìn ha. Dự án này, mục tiêu là cung cấp vào khoảng 5000 m3 nước sạch cho các dự án du lịch ven biển Bình Tiên trong tương lai. Nếu mực nước hồ Sông Trâu cạn dưới mực nước chết (28,7 m), thì nhà máy cũng không có nguồn nước vào khoảng hơn 6000 m3/ngày để cung cấp đủ nước cho dự án này. Bản thân dự án du lịch của CTy CP Thành Trung Ninh Thuận ở Bình Tiên đến nay cũng không sử dụng nước sạch của nhà máy nước của mình. Nếu hồ Sông Trâu mà đủ nước cung cấp cho nhà máy, thì chúng tôi mới có nguồn nước để nhà máy hoạt động, cung cấp cho các dự án du lịch ven biển được. Hồ cạn nước thì chúng tôi cũng chịu. Nhà máy nước sạch này, hoạt động cầm chừng như vậy mới được ba tháng, tháng nhiều nhất doanh thu của nhà máy này mới được 108 triệu đồng, chi phí hết khoảng 32%, nên nguồn thu kém.
 
Nhà máy nước của CTy CP Thành Trung hoạt động cầm chừng.
Nhà máy nước của CTy CP Thành Trung hoạt động cầm chừng.
 
Hiện tại mực nước chết của hồ Sông Trâu như vậy thì không thể đủ nước sạch cung cấp cho nhà máy nước Thành Trung chạy hết công suất được. Nước ở các bể chứa của nhà máy này theo quan sát của chúng tôi rất đục, bẩn, có nhiều váng rêu, liệu có  đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch hay không?
 
Được biết, để phần nào giải cơn “khát” nước của mình, tỉnh Ninh Thuận đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ, sớm đầu tư hoàn thành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để giải quyết cơ bản về nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và các dự án phát triển du lịch ven biển của tỉnh Ninh Thuận. 
 
Nhóm PV
.