(BVPL) - Tại Hà Nội NXB Hội Nhà văn đã vừa tổ chức Hội thảo tác phẩm “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời” của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là tác phẩm phác họa chân dung một con người đã được truyền tụng như một huyền thoại nhưng phải chịu biết bao cay đắng, hàm oan của cuộc đời. Tác phẩm đi vào lòng người không chỉ bằng sự chân thực, giản dị mà bởi những giá trị tinh túy mà nó để lại đối với những thế hệ làm công tác tư pháp. Giống như muối, những điều đọng lại luôn là tinh túy nhất.

 


Có thể nói, cuốn sách đã cho người đọc thấy sự thật về một Tạ Đình Đề dù bị án oan nhưng cuối cùng ông vẫn là một người Anh hùng đúng như nghĩa từ đó. Cuộc đời huyền thoại của Tạ Đình Đề đã gợi cho chúng ta nghĩ tới câu thơ đầy ám ảnh của thi sĩ tài danh Lec-man-top (Nga): “Thuyền có bão táp mưa sa/Dường như giông bão mới là bình yên”... Trong lịch sử Việt Nam, có bao nhiêu nhân vật được khoác bộ xiêm áo huyền thoại? Không nhiều. Bởi khi nhân vật Tạ Đình Đề thấm đẫm “tinh thần huyền thoại” thì tự khắc nó được khoác cho rất nhiều bộ xiêm áo huyền thoại (tác giả Dương Thanh Biểu đã thỉnh thoảng “cài đặt” vào trong mạch truyện một cách vừa khéo léo vừa đủ “độ”). Huyền thoại, suy cho cùng, là những khát vọng về Chân – Thiện – Mỹ của con người trong một thế giới đầy rẫy những bất trắc, thăng trầm, thậm chí ẩn chứa nhiều nguy cơ hủy diệt. Nói khác đi, huyền thoại là những khát vọng tái sinh mầu nhiệm, huyền thoại thuộc về thế giới tâm linh, văn hóa tâm linh. Nói tinh thần huyền thoại của nhân vật Tạ Đình Đề là lẽ đó. Bởi vậy, dưới góc nhìn của mình, nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng: “Nên thêm từ Ngài trước tên mới xứng đáng với một anh hùng huyền thoại như Tạ Đình Đề”.  

Và theo Nhà văn – Luật sư Hạ Bá Đoàn, tác phẩm này đã thức tỉnh nhân tâm, lay động trái tim người đọc, thôi thúc mong ước phải thay đổi thái độ ứng xử với con người trong tiến trình đổi mới kinh tế - văn hóa, đặc biệt là đổi mới tư pháp. Tất cả đã khiến ta phải suy nghĩ nhiều, theo hướng tích cực và nhân bản của cuộc đời. “Tôi nhận ra rằng cuộc đời này vẫn còn những món nợ không nhỏ! Rất tiếc trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, ta mới chỉ quan tâm phần nào những người đã hy sinh trong chiến tranh. Những người như Tạ Đình Đề - Kim Ngọc, ta chưa làm gì để tôn vinh, trả ơn xứng đáng cho họ”, nhà văn Hạ Bá Đoàn bày tỏ.

Từ thực tiễn và những bài học rút ra từ cuốn sách này, Nhà văn- luật sư Hạ Bá Đoàn kiến nghị: Trong cải cách tư pháp, xuất phát điểm và cái đích cuối cùng hướng tới là vì con người, vì nếu chúng ta đặt mục tiêu giữ gìn kỷ cương bằng mọi giá thì sẽ sai lầm và rơi vào quan niệm tư pháp của kẻ thống trị trừng phạt nhân dân mình. Cùng với đó, hoạt động tư pháp cần gắn bó hơn nữa với bảo vệ con người, vì quyền con người là quyền cực kì quan trọng và cả thế giới quan tâm, coi ngang tầm với sự nghiệp hòa bình. Ngoài ra, chúng ta cần bổ sung cho Luật Tố tụng hình sự một số nguyên tắc chỉ đạo nghiệp vụ như: trọng chứng hơn trọng cung, nguyên tắc khi điều tra phải làm rõ cả chứng cứ buộc tội và cả chứng cứ gỡ tội, nguyên tắc hỏi cung bị can, bị cáo phải có mặt Luật sư …

Nhiều ý kiến cho rằng,“Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời” không chỉ là một câu chuyện về cuộc đời cay đắng của một con người tài hoa, mà nó chứa đựng những bài học, kinh nghiệm quý giá cho những người làm nghề tư pháp (những Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán), những người lãnh đạo. Đúng như lời đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng – Viện trưởng VKSND Hải Phòng: “Ngoài ý nghĩa nhân văn cao cả, tác phẩm còn cho chúng ta thấy những phẩm chất, những yếu tố rất cần của một người lãnh đạo trong bất cứ thời kỳ nào và đặc biệt cần trong giai đoạn hiện nay… đó là: nhân cách, bản lĩnh, trách nhiệm của một người đứng đầu; tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đơn vị phát triển, nâng cao đời sống người lao động; biết thu phục, trọng dụng người tài vì công việc, và đặc biệt là sự bao dung, vị tha (mặc dù hai lần bị bắt giam oan hơn 4 năm trời nhưng khi ốm nặng sắp về với tiên tổ, Tạ Đình Đề không muốn đặt vấn đề yêu cầu bồi thường). Tấm lòng của ông thật cao quý và đáng trân trọng”.

Có thể nói, với thái độ cẩn trọng, chi tiết và luôn tôn trọng sự thật, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu đã phác họa chân dung một huyền thoại Tạ Đình Đề vừa chân thực, sống động vừa gần gũi, lung linh. Nói về cuốn truyện ký này, anh Tạ Đình Tiến, con trai của cụ Tạ Đình Đề cũng không nén nổi xúc động: “Gia đình tôi coi đây là hồi ký của Ba, dù nó không phải là hồi ký. Tiến sĩ Biểu đã tặng cho chúng tôi một một món quà vô cùng quý giá…  

Với cảm nhận của một độc giả, tôi nghĩ rằng cuốn sách này không chỉ là một món quà cho gia đình cụ Tạ Đình Đề mà những lấp lánh giá trị nhân văn, những bài học pháp lý mà cuốn sách mang lại còn là một món quà cho ngành tư pháp và cho tất cả chúng ta.
 

Sơn Tùng

.