Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên thế giới như hiện nay, hoạt động thông tin nói chung và báo chí nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
 
 
Ngòi bút phải ở nơi tuyến đầu đấu tranh
 
Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức, đoàn thể xã hội và diễn đàn của nhân dân; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, phản ánh toàn diện những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống; góp phần vào việc bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện dân chủ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 
 
Đặc biệt về tình hình biển Đông gần đây, báo chí đã góp phần quan trọng thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam, đồng thời định hướng cho nhân dân thể hiện lòng yêu nước một cách chân chính, phù hợp pháp luật, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hải Phòng, báo chí đã tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và chính quyền thành phố nhằm phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, xây dựng phát triển thành phố. Thông tin trên báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh và những thành tựu của thành phố với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, phần lớn các cơ quan báo chí, đại diện các báo đã kết hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, các ngành Nội chính để chung sức đấu tranh chống cái ác, chống các quan điểm sai trái, xây dựng cuộc sống an bình cho nhân dân thành phố. Nhiều phóng viên đã sát cánh cùng lực lượng Công an Hải Phòng và các cơ quan chức năng trong việc phản bác quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và tấn công, trấn áp tội phạm, truy quét tệ nạn xã hội. 
 
Có trường hợp các nhà báo đã cùng Công an hóa trang vào trinh sát để phá những vụ án quan trọng; trực tiếp cùng lực lượng Công an xóa phá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; thậm chí có phóng viên đã hóa trang làm phạm nhân để tiếp cận phạm nhân trong trại tạm giam (điển hình như phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, phóng viên thời sự VTV1, Báo VOV…) và hiện nay nhiều phóng viên đang cùng các chiến sĩ quần đảo với lũ tàu ngoại bang để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Hình ảnh đó thật cao đẹp trong con mắt của các chiến sĩ và đồng bào, đồng chí.
 
Báo chí phải là sự thật
 
Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần nhìn thẳng vào một số hạn chế đã và đang tồn tại trong báo chí, đó là:
 
Một số tờ báo có lúc chưa chấp hành định hướng tuyên truyền, đăng bài bình luận một chiều, lợi dụng phản biện, lấy danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người dân để phê phán, công kích chính quyền. Vẫn có tình trạng bài báo, phóng viên đưa thông tin không khách quan, không chuẩn xác, giật gân gây hiệu ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Việc cải chính đối với những thông tin không chính xác chưa theo đúng quy định, thậm chí không cải chính. Có tình trạng một số cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để hoạt động không đúng quy định của Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích của báo.
 
“Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan đến vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương,  Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng (Hải Phòng), lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai, trong khi thực ra nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chồng chéo, phức tạp”. (Trích Báo cáo đánh giá toàn diện về báo chí Việt Nam 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông đăng trên Thông tấn xã Việt Nam).
 
Không chỉ dừng ở “nương nhẹ” sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn, có bài báo còn viết theo xu hướng “biến tội phạm thành anh hùng”, ca ngợi tên tội phạm như người hùng tiêu biểu, có công xây dựng quê hương, tấm gương khởi nghĩa nông dân chống áp bức v.v… Tệ hại thay, có báo lại gán ghép hình ảnh, đánh lộn sòng giữa việc cưỡng chế hành chính với việc truy bắt tội phạm của lực lượng Công an, Quân đội, đem ảnh chỗ này ghép vào chỗ khác, lấy người này thay người khác rồi bình luận chủ quan… làm lệch lạc nhận thức người đọc, gây những tác hại tiêu cực cho đời sống xã hội. 
 
Việc thông tin kiểu này thể hiện sự thiếu nhạy cảm về chính trị, hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, có tác động xấu đến dư luận xã hội, chia rẽ chính quyền với nhân dân, là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá.
Vụ “liệt sĩ trở về sau 40 năm”, nhiều phóng viên đã đưa tin một chiều, phiến diện, viết bừa, viết ẩu, sai sự thật, chạy theo thành tích nhằm “đánh bóng” tên tuổi và có dấu hiệu trục lợi, đã biến một kẻ đầu hàng, phản bội trở thành anh hùng, gây hiểu lầm trong dư luận, để lại hậu quả xấu. Việc viết bài như trên đã tạo ra làn sóng truyền thông, tác động mạnh đến tâm lý xã hội dẫn đến một chuỗi các sai sót của các cơ quan, ban, ngành.
 
Có báo thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân, làm cho người ta điêu đứng, thậm chí có người phải tự sát.
 
Có không ít tờ báo thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vô bổ, chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả. Tình trạng đưa tin quá nhiều, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác trên nhiều báo một lúc gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội…
 
“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
 
Báo chí Cách mạng của chúng ta không những nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin cho xã hội mà còn giúp cho mọi người tiếp cận cái chân - thiện - mỹ, cảm được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, giúp cho người ta yêu cuộc sống, lớn mạnh hơn, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tươi đẹp hơn. Nhà báo, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã có câu: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ - chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi” (Nói với mình và các bạn, 1970).
 
Trong thời gian tới, yêu cầu của cách mạng và cuộc sống xã hội đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với báo chí. Để phát huy được những tiến bộ và thành tựu, khắc phục được những hạn chế, vượt qua được những khó khăn và thách thức đang đối mặt, để báo chí thực sự là vũ khí sắc bén chống lại “âm ưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, chúng tôi mạnh dạn đề xuất:
 
Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cần có cơ chế, chính sách để các cơ quan báo chí có đủ thông tin, kịp thời, đúng định hướng để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tạo thế áp đảo các luồng tư tưởng và hoạt động của các đối tượng có hành vi sai trái, tiêu cực trong xã hội.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện, duy trì Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an các cấp với các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền. Qua đó tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong định hướng tuyên truyền, nhất là đối với các vấn đề xã hội nổi cộm, nhạy cảm.
 
Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phát hành báo chí tới các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… để mở rộng và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đặc biệt là đối với các báo đã phát huy tốt vai trò định hướng, tuyên truyền.
 
Bên cạnh việc xử lý nghiêm những phóng viên, biên tập viên vụ lợi vì động cơ cá nhân mà “bẻ cong “ngòi bút” cần phải có chế độ khen thưởng thật xứng đáng với những người dũng cảm, có bản lĩnh chiến đấu chống cái ác, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, phát hiện và nhân rộng những cái hay, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 
Thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động tránh các sai sót đáng tiếc; chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên để luôn giữ được “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của người viết báo như tâm nguyện của lão Nhà báo Hữu Thọ mong mỏi.
 
Theo PLO