Đã quá lâu mới có một cuộc tiễn đưa lịch sử như thế. Nhịp thở của một người trên trăm năm ở cõi tạm vừa dừng lại lập tức làm xao động triệu triệu trái tim bên trong và bên ngoài Việt Nam. Cuộc tiễn đưa lịch sử quá nhiều xao động ấy dành dâng cho một con người vĩ đại mà hôm nay đã có thể gọi là “Người làm nên cổ tích cho mai sau”: Võ Nguyên Giáp.
 

Ở làng quê của Đại tướng, cái làng An Xá ấy, sau ông, con cháu của làng không còn ai làm to nữa. Nhà văn đồng hương Quảng Bình với ông, Nguyễn Quang Vinh kể: đứa cháu ruột con của em gái ông, sau khi tốt nghiệp sĩ quan được mẹ dắt đến nhà ông nhờ xin một chỗ làm tại Hà Nội. Ông hỏi: “Tổ chức phân công cháu đi đâu?” – “Dạ, chiến trường miền Nam” – đứa cháu trai trả lời. Ông bảo, trong ấy đang cần người được đào tạo chính quy, thanh niên trẻ thì phải đi xa, phải chấp hành lệnh điều động của quân đội. Bà em gái có ý hờn dỗi, tôi là em gái anh, anh làm bộ trưởng thì tôi mới nhờ, anh lại nói thế… Đại tướng cầm tay em gái cười hiền hậu nhưng không thay đổi quyết định. Ông muốn con cháu mình trước khi làm một điều gì đó thì trước hết phải làm một người tử tế, sống bằng tâm sức và năng lực của chính mình.

Trong lần về thăm quê An Xá năm 1977, ông tâm tình và cũng để căn dặn họ hàng của mình: “Tôi làm cách mạng, rồi được Cụ Hồ phong tướng, xuất phát từ cái gen bên ngoại tham gia phong trào Cần Vương. Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ. Tôi thì chỉ làm (quan) vì tổ quốc, vì nhân dân, bởi thế mọi người trong nhà ta cần phải tự phấn đấu, không được ỷ lại”. Ông còn dặn, phải trồng dừa dọc bờ sông Kiến Giang để vừa xanh mát bờ sông, bảo vệ được môi trường, vừa có ích lợi kinh tế. Nhất là phải giữ cho được nghề làm chiếu cói lâu đời của An Xá. Không có nghề là sống khó lắm.

Dặn dò bà con dòng họ vậy vì chính ông, những lúc chính sự khó khăn khôn lường vài mươi năm trước, ông đã từng cùng vợ nhủ nhau: “Nếu có thế nào, cùng lắm thì chúng ta vẫn còn nghề, vẫn có thể dạy sử, dạy văn và dạy tiếng Pháp”.

Chỉ còn hai ngày nữa thôi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ trở về Quảng Bình. Lần trở về này ông sẽ ở hẳn đó, bên cạnh mẹ cha, giữa một miền cát trắng nhìn ra Biển Đông xanh thẳm. Mẹ cha và truyền thống quê hương đã cho ông niềm tin để ông suốt đời sống và làm theo triết lý giản dị này: Phải rất quan tâm đến tư đức thì mới mong có nền giáo dục đúng nghĩa. Tư đức là cái nền tảng của con người mà gia đình phải sớm chăm lo thật kỹ. Chính tư đức sẽ làm nên sự vững chãi của một con người, một gia đình và dĩ nhiên là xã hội sau đó.

Phải chăng, vì đã tin và đã sống theo tư đức ấy mà ông – trải qua biết bao phen trận mạc trong cương vị cầm quân, biết bao oan khiên chưa được giải, vẫn cứ sống bình thản và dấn thân vì lợi ích của Dân, của Nước và cũng vì thế được triệu triệu người trìu mến gọi là nhân tướng, vị tướng của nhân dân…

 

Theo SGTT

.