Nhắc đến bác Nguyễn Hồng Thống, sinh năm 1954, khu phố 4, phường Tô Châu là người dân thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang lại trầm trồ, ngợi khen.
Năm 1983, vì ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam, chồng bác ra đi để lại bác một mình với 5 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất mới chưa đầy 6 tháng tuổi.
Hậu họa của chất độc chết người này vẫn còn lưu giữ lại trên cơ thể cháu, với một con mắt xanh lè và gần như không còn nhìn thấy gì. Đứa kế trên thì bị tim bẩm sinh và thần kinh không bình thường; đứa thứ ba thì bị nám hết nửa khuôn mặt, ngón tay thì dị dạng. Thằng con thứ hai may mắn lành lặn thì khi lấy vợ lại sinh ra một đứa con bị thiểu năng bẩm sinh.
Năm 1990, vì đời sống quá khó khăn, một mình nuôi 5 đứa con không nổi bác Thống đành phải bán đất, bán nhà “khăn gói quả mướp” về quê cha ở Hà Tiên để mưu sinh.
Trời không phụ công người, những ngày tháng gian nan, vất vả của bác Thống được đổi bằng cơm gạo, áo quần… Tằn tiện, cóp nhặt… rồi cũng qua ngày. Các con của bác dần lớn khôn. Ngoài cáng đáng công việc gia đình, với bản tính “chịu thương, chịu khó”, hay lam hay làm, bác Thống còn tình nguyện xin thêm chân cộng tác viên dân số, kế hoạch hóa gia đình của phường Tô Châu, thị xã Hà tiên để “được đóng góp cho xã hội”.
Từ ngày có nữ cộng tác viên đắc lực này, mọi việc (vận động, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch đến đình sản nam, nữ; tư vấn ăn uống hợp lý cho trẻ em…) của địa phương được thực hiện trơn tru, thuận lợi, bởi bao việc khó nhọc bác Thống “ôm” hết rồi.
Đồng thời bác cũng kiêm nghiệm hết các chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; Phó trưởng Ban Chăm sóc trẻ em phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên…
Biến nỗi đau thành tình thương
Cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt tình, tích cực của bác Thống, sau khi bác về hưu (năm 2001), một cán bộ y tế địa phương đã vận động bác tham gia hoạt động của Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ để có thêm thu nhập nuôi đứa cháu tật nguyền (bố mẹ cháu ly dị bỏ con lại cho bác nuôi). Phần vì lý do kinh tế, phần vì trăn trở trước thực trạng: Nguy cơ lây nhiễm HIV, các bệnh tình dục do trai gái, rồi những người đã có gia đình cặp kè lung tung, quan hệ bừa bãi, không sử dụng biện pháp an toàn ngày càng nhiều, bác Thống đã nhận lời.
Để hoàn thành công việc của mình không đơn giản. Ngày nào bác Thống cũng phải đạp xe hoặc đi bộ ròng ròng 4 phường của thị xã để xin vào gặp tiếp viên các nhà hàng, nhà trọ, khách sạn tuyên truyền an toàn tình dục, phòng chống lây nhiễm HIV và phân phát bao cao su miễn phí. Lúc đầu, chủ nhà trọ còn gây khó dễ, về sau họ đã bị lay động trước tấm lòng và sự kiên trì của bác.
Khai thông được tư tưởng các chủ nhà hàng, khách sạn rồi, bác Thống phải tiếp tục lấy lòng các tiếp viên ở các cơ sở này. Vận động được họ sử dụng bao cao su rồi, bác lại thuyết phục họ đi khám sức khỏe, xét nghiệm HIV… Người nọ rỉ tai người kia, “khách hàng” của bác đông dần lên…
Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ họ bảo vệ mình, bác Thống còn vận động họ hoàn lương, thoát khỏi nguy cơ của việc kiếm tiền bằng sự bán rẻ thân xác. Trường hợp của cô bé N (Bến Tre) là một ví dụ.
Bác Thống cho biết, mới 15 tuổi nhưng bé N đã phải phiêu bạt đến tận Hà Tiên làm tiếp viên vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhưng vì bé quá, khách không dám ngồi nên cô phải làm chân dọn dẹp phòng để chờ khi nào có khách rủ thì “đi”.
Thấy nguy cơ của việc sa ngã là rất lớn, bác Thống đã bỏ rất nhiều công sức tìm đến quán cô đang làm, tỉ tê chuyện trò, rồi khuyên bảo: “Cưng là con gái làm việc này không tốt đâu, kiếm việc khác đi!”. Để giúp cô bé thoát khỏi công việc này, bác Thống đã liên hệ xin cho cô phụ giúp tại một quán café trong thị xã với lương tháng hơn triệu đồng/tháng.
Trường hợp chị H ở ngay thị xã cũng rất đáng thương. Chồng chị H bị nhiễm HIV lây sang vợ và hai con. Hiện chồng chị H bị lao màng não phải nằm liệt tại chỗ. Bản thân chị phải làm hết việc này đến việc kia (phụ hồ, gánh vác thuê…) mà vẫn không gánh nổi 4 miệng ăn trong một gia đình.
Cảm thương hoàn cảnh của chị H, mặc dù bản thân cũng chả dư dật gì nhưng giúp chị vài ba chục ngàn để mua gạo, đi xin gạo, rau hỗ trợ chị là việc làm thường xuyên của của bác Thống. Thậm chí bác đã động viên và giới thiệu chị H vào làm việc cho dự án để có tiền mua thuốc cho chồng và nuôi hai con…
Lời kết
Gắn bó với mảnh đất Hà Tiên gần 30 năm. Đi từng gia đình vận động, tuyên tuyền cho từng cặp vợ chồng, tư vấn dẫn đi khám sức khỏe cho từng trường hợp; hỗ trợ tiền, gạo ăn cho không ít gia đình khó khăn… nên hình ảnh bác Thống không có gì xa lạ đối với hầu hết người dân thị xã du lịch này. Cũng không thể đếm được bao nhiêu người thoát khỏi bạo bệnh; bao nhiêu cô bé vì lầm lỡ, thiếu hiểu biết suýt dấn thân vào con đường nhơ nhớp; đặc biệt là bao nhiêu đứa trẻ mồ côi, bất hạnh khi rơi vào cảnh ngộ này.
“Từ cảnh ngộ của mình tôi thấy cần phải giúp đỡ họ. Tôi thấy vui và tự hào mỗi khi giúp được một người nào đó có hoàn cảnh như tôi…” và “Giúp người để gom phúc đức cho con cháu, mình giúp người khi có khó khăn người khác lại giúp mình...”… là câu trả lời cho những thắc mắc của mọi người về công việc của bác. Đó cũng là lời giải thích vì sao bác lại sẵn sàng hiến đi giọt máu quý giá của mình để cứu các bệnh nhân nặng mỗi khi họ cần máu cấp cứu.
Theo Pháp luật VN