Thời gian qua, cứ vào mỗi buổi chiều, người dân sống ở khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) lại bắt gặp hình ảnh anh Andrew J. Smith (37 tuổi, quốc tịch Mỹ) nhẫn nại nhặt rác khắp các con phố và bờ biển.

leftcenterrightdel

Chàng thanh niên Andrew J. Smith tranh thủ thời gian mỗi buổi chiều nhặt rác trên đường và bờ biển. 

Khi tình yêu là động lực

Tình yêu Đà Nẵng đến với Smith rất tự nhiên. Hơn 1 năm trước, anh đến Việt Nam du lịch và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp cũng như sự thân thiện của người dân Đà Nẵng nên sau đó quyết định cùng bạn gái dọn đến đây sinh sống hơn 1 tháng nay.

Smith chọn khu vực An Thượng là nơi đông người nước ngoài để sinh sống. Sau khi chuyển về đây, nhận thấy trên các tuyến đường ở đây có nhiều khách sạn, nhà hàng nên lượng rác rất nhiều, vì thế anh quyết định mỗi ngày sẽ dành khoảng 2 giờ để đi nhặt rác, góp phần bảo vệ môi trường.

Với tác phong nhanh nhẹn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt, chàng thanh niên chăm chú tìm nhặt rác. Đôi lúc, Smith phải cúi gập cả người xuống gầm ghế đá để cố moi giấy, những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất, hay vỏ chai nước lăn lóc mà ai đó đã cố tình ném vào. Động tác của anh thoăn thoắt như đã có “thâm niên” trong nghề lâu lắm rồi. Thoáng một lúc, con đường dài đã sạch sẽ, được khoác lên “tấm áo mới”.

Rác từ các khu đất trống, công trình đang xây dựng ở bãi biển... Smith thu gom thành từng túi, cột chặt lại sau đó mang về điểm tập kết cố định để công nhân vệ sinh tiện đưa đi xử lý.

“Việc làm của tôi không lớn lao gì, chỉ là mỗi sáng thức dậy, bước ra đường cảnh quang được sạch sẽ thì tâm trạng sẽ tốt hơn để làm việc... Tôi yêu đà Nẵng, yêu nét đẹp của thành phố, tôi không muốn nó bị làm bẩn bởi rác, vì thế tôi nghĩ rẵng cần có trách nhiệm giữ “tình yêu” của mình luôn sạch, đẹp”. Smith giơ túi rác trong tay lên, vừa cười vừa nói.

Truyền nhiệt huyết cho cộng đồng

“Lúc đầu thấy tôi nhặt rác mọi người tò mò đứng nhìn với ánh mắt khác lạ. Bây giờ thì khác rồi, những người hàng xóm của tôi thường nói "cảm ơn” để khuyến khích, khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục việc làm của mình, thỉnh thoảng họ hưởng ứng cùng tham gia dọn rác”, Smith nói.

Thời gian tới, Smith sẻ kêu gọi bạn bè, nhất là các bạn trẻ Việt Nam cùng nhau chung tay để gom rác ở các điểm công cộng, anh hy vọng việc làm ấy góp phần giữ cho Đà Nẵng mãi xanh, sạch, đẹp.

Chuyện người nước ngoài tham gia dọn rác, làm sạch môi trường không phải là quá lạ lẫm với người Việt. Hàng sáng chủ nhật, cũng đã có rất nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội tham gia nhặt rác quanh Hồ Gươm, trung tâm của Thủ đô.

Dù chỉ khoảng 30 phút, nhưng hành động, cử chỉ cao đẹp của họ một phần nào đó đã, đang và sẽ tác động tích cực tới nhận thức bảo vệ môi trường của mọi người xung quanh. Khi những hình ảnh về những người ngoại quốc lan truyền trên mạng, trở thành tấm gương cho nhiều người Việt, họ sẽ tự hỏi tại sao người nước ngoài họ tình nguyện nhặt rác, bảo vệ môi trường còn mình sinh ra, lớn lên, hít thở không khí của đất nước mình lại đang dần quên lãng điều đó.

Không chỉ tác động tới nhận thức, hành động đơn giản và cao đẹp đó còn thay đổi được thói quen xả rác bừa bãi, thu hút nhiều người cùng chung tay tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.

“Mỗi giờ chiều cả khu phố lại thấy anh ấy mang găng tay, túi bóng đi nhặt rác quanh các con đường và bờ biển. Việc làm của anh ấy khiến chúng tôi thấy hổ thẹn, đi lại ở con đường này hằng ngày nhưng ít khi để ý tới rác vương khắp nơi như thế. Tôi cũng  nhận ra mình  cần chung tay để bảo vệ môi trường”, chị Nguyễn Mỹ Lan một người dân sống tại khu phố An Thượng nói.

Ông Lâm Xuân Quang (tổ trưởng tổ 72, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) - "tác giả" của bức hình "anh Tây nhặt rác" trên facebook cho biết, ông tình cờ thấy Smith trong một lần gặp anh đi nhặt rác trên đường An Thượng 4. Tò mò không biết thanh niên Mỹ này làm gì nên ông đã "theo dõi" và hiểu ra được hành động đầy cảm kích trước của cậu ấy.

“Những ngày đầu thấy cậu ấy đi nhặt vậy ai cũng tò mò, nhưng giờ chúng tôi đã  quen và xem cậu ấy như người công dân của tổ dân phố. Bây giờ mọi người trong khu phố luôn nhắc nhau ý thức đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Ngày chủ nhật, mọi người cùng dọn vệ sinh” - ông Quang chia sẻ.

Tình yêu với Tổ quốc không ở đâu xa xôi, cao cả mà bắt nguồn từ những điểu nhỏ nhắt như có ý thức bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, hành động của Smith hay nhiều người ngoại quốc nữa sẽ là thông điệp dễ đi vào lòng người nhất, thiết thực nhất, cho mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung luôn xanh – sạch – đẹp.

Mộc Lan