Trong Hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn nhìn nhận: “Các nhà hát đang thiếu các tác phẩm đỉnh cao”. Và ông cũng cho biết, những lúc như thế, bản thân ông với vai trò là “tư lệnh ngành” cảm thấy rất xấu hổ. Hình như lâu rồi mới có một nhận xét thật như vậy về văn hóa nghệ thuật.

Mới đây, nhà hát Ballet Paris đã làm nên một cơn sốt vé nho nhỏ giữa lòng Hà Nội khi đem những nghệ sĩ đỉnh cao – những huyền thoại của Ballet đương đại đến Thủ đô, biểu diễn một đêm duy nhất các trích đoạn nổi tiếng của Ballet đương đại. Ballet là môn nghệ thuật có tính hàn lâm, khá xa lạ với đời sống nghệ thuật người Việt, ấy thế mà đêm diễn đó vẫn đem đến những háo hức lạ kỳ cho khán giả Hà Nội. Buổi họp báo về đêm diễn tại Đại sứ quán Pháp đông kín PV, những người rất quan tâm đến nghệ thuật Ballet đương đại Pháp. Ngẫm lại mới thấy, với tinh hoa nghệ thuật, dù ranh giới địa lý và khác biệt ngôn ngữ hiện hữu, cũng không ngăn được niềm yêu thích và sự quan tâm của công chúng. Nghệ thuật Ballet Pháp cũng từ đó trở thành niềm tự hào của riêng người Pháp. Vài năm gần đây, một ngân hàng và vài đơn vị bảo trợ trong nước đang cùng góp tay đưa nghệ thuật thế giới về Việt Nam. Khi thì là một huyền thoại piano, khi là một danh ca trữ tình, lúc lại là nghệ thuật Ballet đỉnh cao.

 

 Một cảnh trong vở kịch “Lời thề thứ 9” (Kịch bản của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) – một vở kinh điển rất đông người xem đang được dựng lại trong thời gian gần đây.
Một cảnh trong vở kịch “Lời thề thứ 9” (Kịch bản của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) – một vở kinh điển rất đông người xem đang được dựng lại trong thời gian gần đây.


Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chia sẻ rằng, đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tác phẩm đặc sắc. Vì lẽ đó mà các Bộ trưởng nước ngoài đến thăm Việt Nam, khi tiếp đón, chúng ta chỉ biết mời cơm. Cùng lắm thì cũng chỉ gọi một vài ca sĩ, đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, chương trình hoàn toàn không xứng tầm, không có tinh hoa, làm bản thân người đứng đầu ngành vô cùng xấu hổ. “Chúng ta đang đi lạc đường, chạy theo sự vụ, tầm thường. Chúng ta phải đi vào những nhiệm vụ đích thực là đỉnh cao và bảo tồn. Chúng ta phải bảo tồn nhưng không để mất đi đỉnh cao”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Sân khấu truyền thống trước đây có rất nhiều tác phẩm kinh điển: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, thậm chí… ca múa nhạc. Nhưng chẳng lẽ bây giờ, lúc nào cũng diễn lại “Quan âm thị Kính, Tô Ánh Nguyệt” hay diễn “Tôi và chúng ta”? Ngay cả điện ảnh, chúng ta cũng từng có thời kỳ hoàng kim với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước như: “Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu…”.

Bước vào thời hội nhập với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, chúng ta hội nhập nhanh nhưng lại loay hoay giữ bản sắc. Một làn sóng Hàn và phương Tây đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các loại hình nghệ thuật. Nhưng sự học hỏi mang tính chắp vá khiến các tác phẩm theo xu hướng mới làm chưa tới, còn theo truyền thống lại bị bỏ ngỏ. Phim ảnh chính là ví dụ cho việc chúng ta loay hoay hội nhập nhưng xa rời bản sắc: Phim mô típ Hàn, phim thị trường giải trí, phim hành động non tay, phim kinh dị nửa vời… Tất nhiên những sản phẩm đó không thể gọi là đặc sắc được.

Ngay cả ở sân khấu ca nhạc, trước đây chúng ta có Thanh Lam, có Tấn Minh… từng được giải ở các cuộc thi hát quốc tế và khu vực. Giờ chúng ta bị lẫn lộn giữa các sản phẩm đạo nhái, những xu hướng nhạc mới nhưng chưa phù hợp với “tai nghe” số đông. Trong sự loay hoay đó, không tìm được bản sắc riêng là điều hoàn toàn dễ hiểu.


Vậy việc thiếu bản sắc riêng ở thời kỳ hiện tại, sự xấu hổ ấy thuộc về ai? Tất nhiên, phần trước tiên thuộc về những người đứng đầu ngành. Bởi ngành nào muốn phát triển, phải có cơ chế và hướng phát triển phù hợp. Nếu không thì sự loay hoay  vẫn là câu chuyện không có lời giải.

Sự xấu hổ ấy cũng có thể thuộc về những người nghệ sĩ và những người có liên quan đến hoạt động nghệ thuật. Bởi họ là người trực tiếp tạo ra bản sắc nghệ thuật, nhưng vì cuộc sống biến động với nhiều thay đổi, thay vì tìm bản sắc, họ tìm lợi ích kinh tế, kinh doanh, thế là giá trị nghệ thuật bị đặt đằng sau những giá trị lợi ích vật chất. Ví như người đạo diễn sân khấu, phải làm một tác phẩm cho đàng hoàng, có nội dung truyền tải phù hợp, nếu chưa được thì kiên quyết không giới thiệu đến công chúng. Nhưng vì sức ép của nhiều bên, họ trình làng những tác phẩm khiên cưỡng.

Công chúng cũng phải chia sẻ một phần sự xấu hổ, bởi hiện nay họ đang có xu hướng dễ dãi dung nạp những giá trị văn hóa lai căng, dễ dàng thỏa hiệp với những sản phẩm nghệ thuật chưa thực sự chất lượng. Chính sự dễ dãi của công chúng đã khiến cho những giá trị nghệ thuật chưa hoàn hảo có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, cho những điều núp bóng nghệ thuật tạo ra sự “bát nháo” trong các hoạt động biểu diễn nói riêng, trong đời sống văn hóa văn nghệ của chúng ta nói chung xuất hiện ngày một nhiều.

Được biết, cách đây khoảng hai tuần, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có cuộc làm việc riêng với các Nhà hát thuộc Bộ và đề nghị tập trung vào xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng. Trong đó, trước mắt, các nhà hát sẽ tự xây dựng các tác phẩm của mình từ những vở diễn đã từng đoạt Huy chương và đưa đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Nếu như vậy, đây là một sự khởi đầu đáng hoan nghênh. Bởi nếu không có khởi đầu, sẽ không bao giờ có thay đổi. Nhưng như đã nói, xây dựng bản sắc riêng cho nghệ thuật cần nhiều người, nhiều công đoạn, không chỉ quyết định từ phía “tư lệnh ngành”. Bản thân nghệ sĩ, công chúng cũng cần thay đổi; cơ chế, chính sách cho giữ gìn các giá trị văn hóa tinh hoa cũng phải thay đổi cho phù hợp hơn. Mỗi người phải tự thấy xấu hổ, thì hoạt động văn hóa nghệ thuật, con đường tìm lại bản sắc cho nghệ thuật Việt mới có cơ hội.

 

Theo PL&XH

.