(BVPL) - Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, khán giả cả trong và ngoài nước nhất là khán giả Hải Phòng, được thưởng thức hàng trăm phim truyện, phóng sự tài liệu về đề tài biển đảo. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết, một phần lớn trong đó được sản xuất từ Xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS), gắn với tên tuổi của một đạo diễn là NSƯT Văn Lượng.

 

NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Lượng
 
Nhiều khán giả không có thói quen nhớ tên đạo diễn và những người khác ở hậu trường, nhưng Văn Lượng thì khác. Cái kiểu làm việc băm bổ, ăn bờ ở bụi, thích vướng mình vào những đề tài gai góc, đã làm cho người ta nhớ ông kể cả khi phim chưa được phát sóng. Nên tên tuổi Văn Lượng được tỏa sáng không nhờ cách tự “rọi” hào quang vào mình, mà chủ yếu nhờ sự bồi đắp thực sự từ tác phẩm. Chỉ làm một phép thống kê nho nhỏ, hơn mười năm với 221 bộ phim về biển đảo, Văn Lượng bì bõm bơi lội khắp các miền, nhiều nhất là Hải Phòng, rồi Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… Để trong kho vốn liếng có được, lấp lánh 26 phim được trao các giải khu vực và quốc gia, còn rất nhiều giải thưởng và sự vinh danh khác ở cấp độ địa phương nữa.
 
NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Lượng
NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Lượng
Nhưng điều mà Văn Lượng “sướng” nhất, có lẽ là tất cả 221 tác phẩm của ông, ngoài việc là thời lượng chính của hai chương trình “Ơi!!! Hải Phòng” và “Hải phòng thành phố tôi yêu” của Đài PT&TH Hải Phòng, còn được phát sóng nhiều lần trên các kênh truyền hình trong nước VTV1, VTV3, VTV4, Truyền hình các tỉnh thành, các kênh truyền hình cáp… Về phim truyện, Văn Lượng nhận được nhiều lời tri ngộ của khán giả, với Chim Bìm bịp (Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc 2002) rồi Cái Vừng, Nước mắt của biển… Không dừng ở đó, ông nổi bật trong dòng phim phóng sự tài liệu, như  Lời khẩn cầu từ hai lòng hồ (Giải vàng liên hoan truyền hình toàn quốc 1998, Giải C báo chí quốc gia cùng năm), và Huyền thoại mùa thu (Giải đặc biệt của BGK dành cho tác phẩm phản ánh nền văn hóa độc đáo tại Liên hoan ảnh, phim, phóng sự về đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN 2010)…
 
 
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ven biển Hải Phòng, cuộc đời Văn Lượng cũng chìm nổi như những con sóng quê ông. Văn Lượng từng trải qua nhiều chức “quan”, và giờ đang là Giám đốc HFS, nhưng “dân vạn đại”, chốn quan trường có thể không để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của ông. Trên biển cả nghệ thuật mênh mông, Văn Lượng thực sự là một gã ngư dân chịu ngụp lặn, vật lộn với sóng gió. Mà kiên cường đến nể, cứ thấy biển động sóng gào là lao ra, đấy cũng chính là kinh nghiệm đem lại sự bội thu cho những người đi biển. Mới đây, khi thấy gã đạo diễn có khuôn mặt nhàu ở tuổi 56, vật vã trên những khu rừng ngập mặn ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh… để lại trùng trục lao vào “Con mắt bão”, một bộ phim dài tới 45 tập trên nền kịch bản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhiều người lắc đầu trong sự cảm phục.
 
Một cảnh quay phim trận địa pháo bờ biển
Một cảnh quay phim trận địa pháo bờ biển
NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Lượng chỉ đạo diễn xuất tại bối cảnh phim.
NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Lượng chỉ đạo diễn xuất tại bối cảnh phim.
 
Nhiều lần chứng kiến Văn Lượng làm phim, ông ngồi ghế đạo diễn mà nhập vai có khi “say” hơn cả diễn viên, mỗi cử chỉ, mỗi cảm xúc đều dập dồn theo nhịp cảnh quay. Khi thấy ông khóc nức nở trước một đoạn kịch bản, là lúc tâm trạng ông phản ứng thật nhất, trong bối cảnh mọi người đang… diễn. Văn Lượng tâm sự: “Ai đã từng qua cái đói đến quặn ruột thắt gan mới hiểu được mơ ước về bát cơm thơm và cánh đồng vàng ở những vùng đồng chua nước mặn quê tôi…”, gã ngư dân này vẫn đau đáu với nghề như thế.
 
Phim
Phim "Con mắt bão" – Một cảnh quay phim trên vịnh Bái Tử Long – Quảng Ninh
 
Vậy nên dù con số 221 phim đã đủ để Nghệ sỹ ưu tú Văn Lượng được công nhận là đạo diễn có số lượng phim phản ánh văn hóa-con người miền biển đảo nhiều nhất Việt Nam, mà Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) sẽ công bố tới đây. Nhưng biển vẫn động và sóng vẫn gào, tin chắc rằng Văn Lượng không chịu gác chèo phơi lưới mà dừng ở đó.
 
 
Lê Minh Thắng