(BVPL) - Những ngày lịch sử này, cả dân tộc vui mừng kỷ niệm 39 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, song có lẽ với mỗi người dân Việt Nam, hẳn không ai là không bồi hồi nhớ tới người anh cả của quân đội, người chỉ huy quân sự thiên tài với những quyết định táo bạo, thần tốc, đóng một vai trò quan trọng vào những thắng lợi to lớn này - Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Ông kể, điểm nổi bật của Đại tướng là người luôn lắng nghe người khác, vì thế, bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài khi nói chuyện, tiếp xúc với Đại tướng đều luôn cảm thấy gần gũi. Nếu được hỏi, phẩm chất nổi trội của Đại tướng thì tôi thấy thật khó nói, nhưng với tôi đó là tình yêu mãnh liệt và bền bỉ. Đây là hai yếu tố luôn song hành đã đưa ông đi đến những quyết định táo bạo chính xác và hợp lòng dân. Khi quyết định đánh Điện Biên Phủ vào ngày 26/1/1954, vì chưa yên tâm nên ông đã quyết định hoãn lại. Đây thực sự là một quyết định vô cùng khó khăn song nếu không có quyết định này thì không biết sẽ có bao nhiêu xương máu của quân và dân ta phải đổ xuống. Trận chiến Điện Biên Phủ dù phải kéo dài thêm 56 ngày đêm nữa nhưng bù lại ta đã giành thắng lợi trọn vẹn...
Đại tá Trần Hồng có sở thích chụp ảnh chân dung. Lần đầu tiên ông chụp ảnh Đại tướng là vào năm 1972, khi đó Đại tướng đến thăm một đơn vị bộ đội, tuy nhiên bức ảnh đó chỉ mang tính thời sự, chính trị. Song từ buổi chụp ảnh đó, ông luôn trăn trở là làm sao có được một bức chân dung tuyệt vời của Đại tướng mà không biết làm thế nào để tiếp xúc. Và phải đến hơn 20 năm sau, ông mới thỏa mãn được ước mong đó của mình.
“Tôi đã thổ lộ ước nguyện được chụp ảnh Đại tướng với Đại tá Nguyễn Văn Huyên (trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và thật bất ngờ là Đại tướng đã đồng ý và cho phép tôi qua nhà ông bất cứ lúc nào. Tôi mừng lắm… Từ đó, tôi thường xuyên lui tới nhà Đại tướng và chụp được hàng ngàn bức ảnh về vị tướng tài hoa, lỗi lạc của dân tộc”, Đại tá Trần Hồng chia sẻ.
Ông cho hay, ông đã chụp khoảng hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng và điều khó nhất là Đại tướng ít khi rời khỏi bộ quân phục. Khi chụp ông trong những lúc bình dị, mang tính chất gia đình thì Đại tướng không bằng lòng nên chụp theo ý muốn của mình rất khó bởi những bức ảnh đẹp nhất chính là lúc Đại tướng bình dị nhất, đời thường nhất như khi chơi đàn, hay tập thể dục…
“Một điểm nữa dù hài lòng hay chưa hài lòng về cách chụp ảnh của phóng viên chúng tôi thì Đại tướng đều không nói ra mà chỉ thể hiện qua ánh mắt. Bởi thế, giữa Đại tướng và chúng tôi có một sợi dây gắn kết vô hình, nhưng sâu sắc. Ngẫm ra, chính cái nhìn của Đại tướng và cách biểu lộ thái độ đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc. Đặc biệt, Đại tướng cũng chính là một nhà báo giỏi và luôn tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp. Có lần vào tháng 10/1994, lúc đó là 5h30’ sáng, sau khi tôi đã chụp được rất nhiều ảnh Đại tướng tập thể dục, Đại tướng hóm hỉnh bảo: “Cậu chụp nhiều ảnh quá nên tớ cũng phải chạy nhiều hơn”…, Đại tá Trần Hồng nhớ lại.
Kỷ niệm 39 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà và đặc biệt là kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn để được tận hưởng niềm vui chung của dân tộc…, nhưng hình tượng vị tướng tài ba, nhân hậu, cả cuộc đời luôn đau đáu vì nước, vì dân sẽ luôn sâu đậm mãi trong lòng người phóng viên năm xưa, trong lòng nhân dân Việt Nam…
Thanh Dịu