Một đám cưới của đồng bào Khmer
Một đám cưới của đồng bào Khmer
 
Các điểm cho thuê trang phục cưới trong phum, sóc của đồng bào Khmer hiện nay phổ biến hơn trước đây. Thay vì phải thuê trang phục từ tỉnh khác hoặc sang Campuchia, nay nhiều phụ nữ Khmer đã biết học nghề trang điểm, kết hợp dịch vụ thuê trọn gói trang phục cưới, trang phục biểu diễn văn nghệ. Hầu hết những trang phục này phải sang Campuchia mua về với nhiều mẫu mã phong phú. Chị Neang Sa Ru ở xã Núi Tô (Tri Tôn) cho biết, mùa cưới của đồng bào Khmer diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 (âm lịch) năm sau. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thanh niên Khmer đi làm ăn xa, hoặc kết duyên với người Kinh, họ tổ chức đám cưới vào bất kỳ thời gian nào nếu thấy thuận tiện, song vẫn bắt buộc mặc đồ truyền thống của dân tộc.
 
Đặc điểm chung của trang phục cưới người Khmer là trang trọng nhưng vẫn kín đáo, thiết kế để mặc đơn giản, thuận tiện trong di chuyển, thực hiện nhiều nghi thức mà không gây rườm rà. Màu sắc và chi tiết trên trang phục khá cầu kỳ như: Yếm, thắt lưng, các phụ kiện trang sức vòng cổ, vòng tay, vòng bắp tay sáng lấp loáng... rất đẹp, tạo nên sự hài hòa, tinh tế cho người mặc. Cô dâu trong trang phục cưới cổ truyền rất lộng lẫy với chiếc xăm pốt bằng sợi kim tuyến hay tơ tằm. Để tôn thêm nét dịu dàng, uyển chuyển đầy nữ tính, bộ lễ phục không thể thiếu Sbay - một loại khăn mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải.
 
Tiệm cho thuê đồ cưới của chị Neang Sóc Phia ở ấp Tô An, xã Cô Tô (Tri Tôn) được nhiều người khen có trang phục đẹp, mới, chị có hoa tay trang điểm rất ưng ý nên thường xuyên “chạy sô” đến tận tỉnh Kiên Giang. Chị cho biết, một đám cưới diễn ra trong 3 ngày, trung bình cô dâu chú rể mặc từ 6-7 bộ, có nhà thuê cả chục bộ, đi kèm là đội phụ dâu, phụ rể cũng phải mặc cùng màu để làm nổi bật nhân vật chính của lễ. Trước đây, màu vàng, màu đỏ được ưa dùng nhất vì nó gợi không khí hội hè và cũng là sắc màu trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống của người Khmer.
 
Ngày nay, trang phục cưới được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ, người mặc chọn nhiều màu sắc và đẹp mắt hơn nhưng hầu hết vẫn giữ nét truyền thống, màu đơn sắc trên một bộ đồ. Trong một lễ cưới có rất nhiều nghi thức, mỗi nghi thức lại phải thay một bộ đồ mới có tên gọi phân biệt để thể hiện sự trang trọng, tôn nghiêm. Có thể phân biệt gọn thành 2 mẫu chung là áo dài bịt tà kết hợp xăm-pốt (Chchenh) và áo ngắn gần vị trí eo kết hợp với xăm-pốt (Kben). Chiếc váy của phụ nữ Khmer mặc theo cách quấn ngang hông và giắt về một phía, gấu váy cao trên cổ chân.

 

 
Ngày đầu tiên, 2 vị À Cha trong chùa sẽ đến nhà đọc kinh, lúc này cô dâu, chú rể mặc trang phục màu trắng. Sau đó là các thủ tục: Lễ ra mắt ông bà, cha mẹ, trao nữ trang và khăn quàng cho cô dâu, lạy bàn thờ, lễ cắt tóc cho cô dâu, chú rể. Ngoài trang phục mặc trên người, chú rể không thể thiếu cây quạt giắt sau lưng và thanh kiếm với ý nghĩa bảo vệ cho người vợ suốt cuộc đời. Cô dâu sẽ cầm trên tay thon-rôn có đựng gạo, tiền, lá trầu… xuyên suốt trong 3 ngày. Trong ngày cuối cùng, sau thủ tục buộc chỉ tay, chú rể và cô dâu cầm các vật này đi vòng tròn, sau đó ngồi nghe À Cha đọc kinh và chính thức trở thành vợ chồng. 
 
Theo chị Sóc Phia, hiện nay cô dâu chỉ mặc trang phục và đeo phụ kiện, còn mái tóc và cách trang điểm đơn giản, không bắt buộc như xưa. Cô gái Khmer nào cũng thích vào thời khắc quan trọng nhất trong đời sẽ được mặc trang phục của dân tộc và xem đó là niềm tự hào. Trải qua mỗi thủ tục của lễ cưới, họ sẽ tiến gần hơn đến hạnh phúc và thêm một lần hóa thân trong những vẻ đẹp khác nhau của bộ đồ cưới truyền thống.
 
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)