(BVPL) - Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.
 
Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng
 
Khu di tích đền Hùng bao gồm một quần thể kiến trúc rộng lớn với nhiều khu di tích như: Đền Hạ, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng tẩm vua Hùng.
 
Ngược với sự uy nghiêm của đền Hùng, đền mẫu Âu Cơ mang nét thanh bình, yên tĩnh của một ngôi đền nằm dưới gốc đa cổ thụ. Bên trái là giếng Loan, bên phải có giếng Phượng. Phía trước là núi Giác, sau lưng là song Hồng uốn lượn.
 
Đến với Đền Hùng Phú Thọ , du khách không những được tham quan quần thể kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa với thiết kế nghệ thuật điêu khắc độc đáo mà còn có thể cảm nhận được thiên nhiên núi rừng hoang vu, hùng vĩ nhưng đẹp nên thơ, hữu tình.
 
Đặc sắc làm người ta nhớ đến Đền Hùng Phú Thọ là lễ hội Đền Hùng hay còn được gọi là giỗ tổ Hùng Vương. Đây là một lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc gia. Lễ hội nhằm mục đích tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lập nước của các vua Hùng nước ta. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và được tổ chức qua 2 lễ.
 
 Lễ rước kiệu vua trong lễ hội
Lễ rước kiệu vua trong lễ hội
 
Lễ rước kiệu vua mang sắc màu, trang phục của dân tộc. Đoàn lễ đi từ chân núi đến đền Thượng làm lễ dâng hương rồi tới đỉnh núi Thiêng.
 
Lễ dâng hương mang yếu tố tâm linh. Thắp những nén hương nghi ngút cho tổ tiên là việc làm ý nghĩa và linh thiêng. Ngoài ra, lễ hội Đền Hùng Phú Thọ còn tổ chức nhiều trò chơi đặc sắc mang tính dân gian, truyền thống như: hát xoan, thi vật, kéo co.

 

 
 
Đền Hùng Phú Thọ được Bộ Văn hóa thông tin xếp vào khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Vào tháng 12 năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bởi nhiều yếu tố đặc trưng của đời sống tâm linh của người Việt Nam đã và đang tồn tại từ hàng nghìn năm lịch sử.
 
Điều này thể hiện một nền tảng tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc và được coi là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có được.
 
Anh Thư(t/h)
.