(BVPL) - Những năm gần đây, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, Bắc Ninh đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người muốn duy trì nguyên sơ những nghi thức truyền thống này vì đây là nét văn hóa đăc sắc của vùng quê. Tuy nhiên, nhiều  người lại cho rằng đây là sự tàn ác cần được diệt trì. Mới đây, tổ chức Động vật châu Á (AAF) cũng kêu gọi các cơ quan chức  năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin Truyền thông ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn này.

Lễ hội gắn với truyền thuyết

Lễ hội này được bắt nguồn từ truyền thuyết một vị tướng thời Lý tên là Đoàn Thượng khi đánh trận đã chạy đến vùng núi nay là thôn Ném Thượng , xã Tiên Du, Bắc Ninh trú ngụ và chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hàng năm cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch là hàng ngàn người dân lại tập trung về đây tham dự lễ hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.

Từ rằm tháng 7, dân làng sẽ tiến hành bầu chọn ra hai người khỏe mạnh, gia cảnh sung túc, tuổi đúng 50 để nuôi hai “cụ ỉn” làm lễ vật tế thánh. Lợn tế thánh được nuôi theo một chế độ đặc biệt, đến Tết sẽ nặng khoảng hơn 100kg. Vào chiều ngày mùng 5 Tết, lợn được đoàn người rước từ nhà gia chủ ra sân đình. Đoàn rước sẽ đi vòng quanh đường trong thôn, đến nhà nào cũng được gia chủ mang bánh kẹo ra tiếp đón. Sau khi ra đến sân đình, hai “cụ ỉn” sẽ được tập kết tại đây. Sáng ngày mùng 6, đúng ngày hội chính thì bà con trong làng sẽ thực hiện chém lợn. Hai chú lợn thờ bị chém đứt đôi trước sự chứng  kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Sau đó, những người tham dự lễ hội sẽ lấy tiền quệt đẫm máu “cụ ỉn” để mang về nhà thờ mong cho năm mới làm ăn may mắn.

Theo phong tục thì ý nghĩa sâu kín của lễ chém lợn tế thánh và việc dân làng dùng tiền quệt vào vết máu mang về thờ có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng, có khả năng làm thụ thai, từ đó sự sống sinh sôi, phát triển. Theo người dân nơi đây thì tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề cho tất cả mọi người trong làng.

AAF kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn

Theo ghi nhận thì lễ hội chém lợn này không hạn chế thành phần tham dự, kể cả trẻ em. Nhiều em bé độ tuổi mầm non đã khóc thét khi chứng kiến cảnh người lớn dùng con dao lớn chém lìa cổ những con lợn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em. Trên thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy mối liện hệ giữa việc đối xửa tàn ác với động vật và hành vi bạo lực ở người.

 

1
Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đang gây rất nhiều tranh cãi.


Năm 2013, Tổ chức Động vật châu Á đã từng gửi thư bày tỏ mối lo ngại và sự phản đối lễ hội chém lợn tới ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh tuy nhiên, lễ hội này vẫn được diễn ra và không hạn chế đối tượng tham dự.

Mới đây, ngày 27/1/2015, Tổ chức Đông vật châu Á (AAF) cũng đã phát động kêu gọi cộng đồng cùng ký tên kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo AAF thì đây là hoạt động phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người xem và tác động xấu đến hình ảnh của Việt Nam trong  mắt bạn bè quốc tế.

Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều lễ hội liên quan đến sự tàn sát hay đối xử tàn ác với động vật cũng đã bị lên án và chấm dứt. Ví dụ như Ấn Độ đã ban lệnh cấm đối với lễ hội hiến tế động vật. Ở Đan Mạch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng đã ký sắc lệnh quy định buộc phải gây mê các loại động vật trước khi tiến hành giết mổ chúng để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo.

Ở Việt Nam, lễ hội đâm con trâu thắng sau lễ hội chọi trâu để sẻ thịt ra bán cũng gây rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, con trâu đang khỏe mạnh, vừa mua vui cho mọi người xong lại bị chính con người dùng dao đâm chết tươi không qua hình thức gây mê là hành động tàn nhẫn.

Trở lại với lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, rất nhiều người chứng kiến cho rằng việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới liệu có phải là một hành động nên làm hay không? Đó là còn chưa kể đến việc sau khi lợn bị chém, vũng máu lênh láng ra đường, hàng ngàn người xem chen lấn lấy đồng tiền quệt vào máu mang về nhà thờ, xét về măt y học thì đây cũng là việc làm không hợp vệ sinh, rất dễ đến việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trước phản ứng của AAF, ông Nguyễn Văn Ánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ năm 2014, Bắc Ninh cũng đã điều chỉnh và hạn chế những hoạt động dã man ở lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Năm nay, ông Ánh cho biết, trước mắt lễ hội chém lợn cũng sẽ vẫn được duy trì những sẽ không diễn ra ở chỗ đông người như trước và có thể sẽ hạn chế đối tượng tham dự.

 

Trao đổi với báo chí trước đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn của AAF, ông  Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, lễ hội tại thôn Ném Thượng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, từ 2 năm trước, do có nhiều ý kiến trái chiều về việc chém lợn công khai giữa hàng nghìn người dân nên UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo không tổ chức chém lợn tại lễ hội này nữa.

“Lợn cúng tế vẫn được người dân nuôi. Nhưng đến ngày lễ hội, người dân không còn chém lợn, mổ lợn công khai ở sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người nữa. Thay vào đó, một số người sẽ đem lợn ra phía sau đình, nơi kín đáo để thịt lợn giống như cách mổ lợn thông thường,” ông Quỳnh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, lễ hội tại thôn Ném Thượng hiện nay diễn ra phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, không gây phản cảm. Người dân cũng không còn lấy tiền quẹt máu lợn để đem về với quan niệm cầu may mắn nữa.

 

Hữu Bắc

.