Vì nhiều lý do mà chàng trai sáng tạo nên trò chơi gây “sốt” toàn cầu Flappy Bird phải thốt lên “không thể chịu nổi” và gỡ bỏ nó khỏi cộng đồng mạng di động toàn thế giới, trong đó có áp lực không nhỏ từ những lời chỉ trích, đố kỵ. Câu chuyện này khiến người ta một lần nữa không khỏi xót xa trước một thói xấu vẫn tồn tại bấy lâu nay của người Việt. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
- PV: Anh nghĩ sao trước những ồn ào xung quanh câu chuyện về tác giả Hà Đông và trò chơi gây “sốt” khắp thế giới Flappy Bird?
- Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Nhiều người nói cậu ấy chịu áp lực quá lớn từ dư luận. Nhưng tôi nghĩ cái mọi người gọi là đám đông ấy thực ra chỉ là số ít thôi, tưởng rằng đám đông nhưng chỉ là cộng đồng rất nhỏ trên mạng Internet. Vậy mới thấy Internet sinh ra rất thú vị, nó là thế giới mở nếu ta biết khai thác nhưng cũng là nơi chôn vùi biết bao nhiêu thời gian, trí tuệ và công sức của giới trẻ nếu không biết cách khai thác và tận hưởng nó. Mà hệ quả là dẫn đến sự hủy diệt nhẫn tâm nhiều sáng tạo, trong đó có sản phẩm Flappy Bird của Hà Đông. Đối mặt với “đám đông” ấy, những người sáng tạo như Hà Đông chỉ có cách phải học theo triết lý: “mặckệchấmcom”.
- Nhưng có một sự thật là “đám đông” lại luôn cho mình quyền được “ném đá” không thương tiếc người khác mà không quan tâm đến được - mất, đúng - sai?
- Chính những sự “ném đá”, đố kỵ, “dìm hàng” nhau kéo lùi sự phát triển của đất nước. Tôi nghĩ những hành động kiểu như vậy thuộc dạng tâm lý “bầy đàn”. Chẳng có thứ văn hóa nghệ thuật nào “bầy đàn” cả mà kẻ sáng tạo bao giờ cũng là kẻ đi trước. Dĩ nhiên, tôi luôn ủng hộ tất cả những gì thuộc về sáng tạo theo chiều hướng tích cực. Tôi chỉ muốn nói rằng, hỡi những người thuộc về “đám đông”, thuộc về thứ chuyên môn “ném đá” người khác, hãy dành thời gian làm việc và lao động thì hơn. Khi lao động rồi mới thấy tiếc thời gian lắm, không có thời gian rảnh rỗi để ngồi làm những trò ấy đâu.
- Chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” hay thói đố kỵ trong nghệ thuật hình như cũng không thiếu?
- Đấy là chuyện bình thường. Không cứ gì trong nghệ thuật đâu, ở đâu hiệu ứng đám đông cũng rất kinh, rất khiếp. Tôi ủng hộ sự sáng tạo của những người như lập trình viên Nguyễn Hà Đông. Hãy tin rằng những người sáng tạo luôn luôn bước đi trên một con đường cô độc, tức là trên cả sự cô đơn. Bởi cô đơn là không ai chơi với mình, nhưng bạn muốn đi xa hơn thì bạn phải cô độc, tức là không thèm chơi với ai cả, mà chơi với chính tâm hồn của mình. Trong con đường ấy, bạn sẽ gặp được những người ủng hộ mình và hãy mỉm cười về điều đó.
- Ở địa vị người sáng tạo nghệ thuật, anh cũng chấp nhận sự cô độc?
- Tôi nghĩ đó là định mệnh của mình. Vì vậy tôi cố gắng sáng tạo ra cái đẹp, cái nhân văn mà không bao giờ có ý định chửi bới hay moi móc bất cứ ai. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ có ý định “ném đá” ai.
- Nói vậy chứ anh có thấy buồn khi trong cuộc sống bây giờ, nhiều người có thói quen soi mói và đố kỵ nhau?
- Có lẽ tôi vô cảm với đám đông từ rất lâu rồi. Tôi biết nhiều người làm nghệ thuật như tôi buồn về điều đó. Nhưng tôi nghĩ đó là do họ không biết mình là ai, còn khi đã biết mình là ai rồi, mình có nền tảng như thế nào thì sẽ bình thản mỉm cười mà vững vàng bước tiếp. Dù vậy nếu đọc nhiều, hiểu nhiều thì cũng rất xót xa. Dân tộc ta đã trải qua quá nhiều thăng trầm biến cố, quá nhiều đau thương mất mát rồi, nhưng chúng ta vẫn giữ được tiếng nói, giữ được những gì thuộc về hồn cốt con người Việt Nam. Vậy thì hãy trân trọng từng đóng góp, từng sáng tạo chứ đừng làm tổn thương nhau chỉ vì những thói đố kỵ không nên có ấy.
- Anh nghĩ chúng ta nên ứng xử thế nào với những tài năng?
- Đã là tài năng thì cả quốc gia nên khuyến khích và ủng hộ bằng những hành động thực tế. Trưa qua, tôi vừa đi ăn cơm với vài người bạn thân thiết và chúng tôi rất vui khi biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Hà Đông. Đó là điều quá tuyệt vời, cho thấy đất nước mình luôn khao khát tài năng. Còn những kiểu ba lăng nhăng như cộng động mạng “ném đá” này kia thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Nói cho cùng, tôi thấy để vào mạng viết một lời bình luận về người khác thường phải mất ít nhất 20 phút. Mà thay vì mất thời gian với 20 phút đó thì hãy làm việc gì đó có ích hơn, đơn giản nhất như quét nhà, nhặt rác chẳng hạn.
- Cảm ơn về những chia sẻ rất thật và chân tình của nhạc sĩ!
Theo ANTĐ