(BVPL) - Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh phi thường, ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng cùng nam giới đứng lên giành quyền sống cho mình và giành độc lập cho giang sơn Tổ quốc. Năm 40 - 43, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán đã viết nên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Vẫn còn vang vọng đâu đây câu nói đầy hào khí của Bà Triệu - nữ anh hùng dân tộc đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô (năm 248): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Bác Hồ từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

84 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phụ nữ Việt Nam đã được tôi luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng công tác vận động phụ nữ, xác định phụ nữ có vai trò to lớn trong việc tập hợp, xây dựng lực lượng của cách mạng. Bởi, phụ nữ là một nửa nhân loại, không huy động được phụ nữ tham gia thì cách mạng không thể thắng lợi. Đúng như tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Người viết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng nêu rõ: “Nam nữ bình quyền”. Bác Hồ và Đảng ta sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ Đảng phải giải phóng phụ nữ. Và ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Dù tên gọi có nhiều thay đổi, nhưng xuyên suốt trong những năm qua, Hội vẫn là tổ chức kiên trung, là nơi tập hợp, vận động phụ nữ cả nước phù hợp và hiệu quả nhất.

Từ khi ra đời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Hội, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của những nữ anh hùng: Võ Thị Sáu, Út Tịch, Lê Thị Hồng Gấm, Mạc Thị Bưởi, Mẹ Suốt, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi mãi khắc ghi trong tấm lòng của mỗi người Việt Nam. Đọc quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” thật xúc động trước lòng quả cảm và tình người lan tỏa từ cuộc đời của nữ bác sĩ phụ trách trạm quân y tiền phương trong thời chiến, dù cách đây đã hơn 40 năm nhưng vẫn truyền lửa để chúng ta có thêm sức mạnh tránh xa những cám dỗ tầm thường hôm nay, mà quyết tâm sống trong sạch và phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp vì dân, vì nước. Chiến tranh đã lùi xa, song vẫn còn đó những nỗi đau nhuộm trắng mái đầu những người mẹ, người vợ... và cũng chính những con người đó lại vững vàng trong xí nghiệp, nhà máy, trên đồng ruộng và chăm chút từng trang giáo án... để xóa đi những dấu vết chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam, bằng vẻ đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình đã góp phần dệt gấm, thêu hoa, làm nên vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam.

 


Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, xây dựng gia đình văn hóa mới… đều có và ngày càng nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới. Đại bộ phận cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đều có sự tham gia góp mặt của “phái yếu”. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều người còn giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Việt Nam luôn dẫn đầu tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội trong các nước ASEAN có Nghị viện, tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng cao; có tới 33,1% đại biểu nữ trong Quốc hội khóa XII - tỷ lệ cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới. Số lượng cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý Nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở chiếm khoảng 20%; gần 20 năm qua, liên tục có Phó Chủ tịch nước là nữ. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhiều ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XIII chiếm 24,4%... Có 83% số phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế; tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm hơn 60%... Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực - Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, công tác phụ nữ vẫn còn những hạn chế. Nguyên tắc bình đẳng giới chưa được cụ thể hóa toàn diện và triệt để trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một số quy định được ban hành nhưng thiếu chế tài, biện pháp, nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để bảo đảm thực hiện. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội. Tình trạng ngược đãi, bạo lực phụ nữ vẫn tồn tại ở cả thành thị và nông thôn. Tình trạng xâm hại tình dục, mua bán phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng và phức tạp... Nguyên nhân là do chưa hết các hiện tượng phân biệt đối xử, định kiến về giới trong các giai tầng xã hội. Một số nơi, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm tới công tác phụ nữ, đến sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Chính quyền các cấp chưa quán triệt đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, dẫn đến những biểu hiện hẹp hòi, đánh giá và sử dụng cán bộ nữ thiếu công bằng.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp phát triển, bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới, trước hết, công tác quan trọng hàng đầu là nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình đối với gia đình và xã hội. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ…

Các mẹ, các chị, các em đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, họ là những “Bông hoa đẹp” trong vườn hoa khoe sắc thời hội nhập.
 

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

.