Trước khi vùng vẫy tung hoành trên sân khấu, Lưu Quang Vũ đã được biết tới như một người làm thơ. Ấy là một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh, dễ dàng giãi bày mọi vui buồn của mình trên trang giấy. Những lúc mở lòng ra chan hoà tâm tình với người thân, với bè bạn, với cuộc đời, anh đã có thơ; những lúc buồn bã quay về một mình đơn độc, anh lại cũng chỉ có cách tìm tới thơ để tự an ủi. Nhất là khoảng từ đầu những năm 1970 trở đi, trong khi cuộc đời đa đoan phiền phức của mình gặp nhiều khó khăn, Vũ đã làm thơ như ghi nhật ký, làm khá nhiều. Vì những nguyên cớ khác nhau, các bài thơ hồi đó chưa được công bố, nhưng một số vẫn được ghi trong sổ tay và nhất là đi về trong trí nhớ của bè bạn. Hôm nay đây, đối diện với những bài thơ sống sót, những bài thơ từ cõi im lặng bước ra ấy, tôi có cảm tưởng như được thấy lại những vật kỷ niệm của chính mình. Tôi nhớ lại một thời Hà Nội và một thời văn nghệ mà mình và bạn bè đã chứng kiến, đã sống. Quả thật là đặt bên cạnh những bài thơ đã biết, cả những bài rất hay của thời chiến, thì những dòng thơ riêng tư của Vũ có được cái vẻ độc đáo không gì thay thế được. Chúng - và những gì tương tự như chúng - là một phần cuộc đời ta, vì lý do nào đó, có lúc ta đã phải lảng tránh, phải lãng quên, nhưng không phải vì thế mà nên chối bỏ chúng mãi mãi! Ở đây chúng ta bắt gặp một Lưu Quang Vũ khác với thông thường mọi người vẫn nghĩ. Vũ của dằn vặt, đau xót, lầm lỡ, cô đơn, mà cũng là Vũ của những tha thiết muốn vượt lên trên mọi mệt mỏi, mọi hoài nghi để sống, để tồn tại. Hai chặng khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất.
Những bài thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ được tập hợp lại thành phần Hương cây và ra chung với Bếp lửa của Bằng Việt vào cuối năm 1968. Dù có chóng quên đến đâu, thì những ai đã sống qua thời đó ở Hà Nội đều biết rằng đại khái đó là thời mà mọi sinh hoạt còn rất đạm bạc, chẳng hạn, với một cán bộ nhà nước, việc mua được chiếc xe đạp phải được xem là một việc lớn trong đời, và chỉ những gia đình có máu mặt, mới có chiếc radio Melodia Liên Xô nặng nề, hoặc chiếc Orionton của Hungary xách tay được để nghe ca nhạc. Không thể tưởng tượng nổi là một tập thơ lúc ấy lại gây chấn động đến như thế nào. Bọn tôi, một số anh em mới viết, muốn ướm thử đời mình vào nghề văn, chúng tôi nghĩ rằng một tập sách, nó là cái danh thiếp tốt nhất, để người ta tự giới thiệu với chung quanh, để khẳng định mình, để có bạn. Với việc có một tập sách, chính là Vũ, cùng với Bằng Việt - trong Bếp lửa Hương cây; cùng với Đỗ Chu - trong tập truyện ngắn Phù sa, - là những bạn đầu tiên trong chúng tôi thành người. Thành nhà văn nhà thơ. Thành tác giả. Thành tất cả những gì, mà chúng tôi hằng ao ước. Làm sao mà không cảm động cho được!
Lúc bấy giờ, nhà Vũ đã ở căn gác 96 phố Huế. Trong cảnh sơ tán, thành phố những năm đầu mới chuyển sang thời chiến lại có vẻ thưa vắng đáng yêu riêng của nó. Phố xá sạch sẽ. Người không phải chen với người. Dắt cái xe đạp qua cổng, có thể khoá tạm rồi lên gác hai, không lo suy suyển gì hết. Giữa cái không khí dễ chịu ấy, căn phòng của người làm thơ trẻ Lưu Quang Vũ là một tổ ấm đích thực. Tôi nhớ đã gặp ở đấy rất nhiều người quen. Các bậc đàn anh: Trần Việt Phương, Nguyễn Khải, Chính Hữu. Các bạn trẻ hơn, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Vũ, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn... Rồi Nghiêm Đa Văn, Quốc Anh ở khu Bốn ra, Phạm Tiến Duật ở chiến trường về, Thi Hoàng ở Hải Phòng lên... Các bậc đàn anh đến có việc mà cũng là để xem xem lớp trẻ ra sao. Còn các bạn làm thơ trẻ, thì đến để gặp Vũ mà cũng là để gặp nhau, thời nào mà lớp trẻ chẳng ồn ào và thích đi thành lũ thành bọn! Đám cưới Vũ - Tố Uyên chỉ gồm có ít bạn quen, mà sao vui vẻ lạ! Trong trí nhớ của nhiều người, đám cưới ấy đồng nghĩa với hạnh phúc, thứ hạnh phúc bé nhỏ và trong sáng, mà thời chiến còn dành cho chúng tôi. Với vẻ mãn nguyện không che giấu, Vũ tận hưởng sự chiều đãi của mọi người chung quanh và gửi gắm niềm tin yêu đời sống của mình vào những bài thơ bồi hồi “hương cây hương đất”, thoang thoảng “lá bưởi lá chanh”:
Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình
Đọc trong sự tha thiết của Vũ một vẻ gì rất thành thật, người ta đã tưởng tất cả Vũ chỉ có vậy.
Nhưng chúng tôi, đám bạn bè thường vẫn đàn đúm với nhau, biết nhau không chỉ qua thơ mà cả những gì sau các câu thơ, chúng tôi sớm mang máng nhận ra rằng không hẳn vậy. Mặc dù trẻ nhất “hội”, nhưng bên cạnh con người ngây thơ trong trắng, ở Vũ còn có con người của thành thạo, từng trải. Từ nhỏ, trong gia đình, Vũ đã sống hết với mọi ấm lạnh của giới văn nghệ. Cái nhìn của Vũ về sự đời vượt xa tầm hiểu biết của một thanh niên 19-20 thông thường.
- Chuyện nhân thế nhờ em anh biết được
Anh nhìn đời theo con mắt của em
- Hỡi em của anh em của anh chỉ em là còn lại
Trong hoàng hôn buồn bã của cuộc đời
Khi anh mất cả dòng thơ êm ái
Cả dòng đời cả tiếng nói niềm vui
Vì anh muốn tiếng yêu em anh nhắc lại
Tiếng mới đau sao khi thiếu mất em rồi
Những câu thơ ấy là của L. Aragon và do các nhà thơ Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm dịch ra tiếng Việt. Ở Hà Nội năm ấy, việc giới thiệu văn học nước ngoài còn rất hạn chế, Aragon được dịch đã là may, chứ có ai để công kể với đám trẻ chúng tôi về con người tác giả (vốn mang tiếng là phức tạp) hoặc giảng giải kỹ chung quanh một ít câu thơ chứa chất những vui buồn của cả đời người như vậy. Một người nông nổi như tôi đã bỏ qua những câu thơ sâu sắc ấy, để rồi mãi lúc được Vũ chỉ cho, tôi mới ngớ ra vì sự khờ khạo của mình.
- Tôi thở ra làm nhiều người không sống được
Giấc ngủ chừng khuấy động bởi âu lo
Hình như thơ tôi vang tiếng đồng tiếng sắt
Làm đứng lên những người chết trong mồ
...
Tôi nói tình yêu tình tôi làm các ông nhăn nhó
Tôi nói trời trong, các ông bảo trời mưa
Các ông nói đồng tôi nhiều hoa quá
Đêm tôi lắm sao trời tôi chẳng xanh vừa
- Tôi nghe tiếng gà trong cùng tận đau thương
Trong đổ nát tôi vẫn mang chiến thắng
Dù khoét mắt những vì sao xa vắng
Trong đêm dài tôi vẫn chói vừng dương
Aragon là vậy, si mê, cuồng nhiệt, sẵn sàng gây sự thách thức mọi người. Aragon luôn có chút gì đó quá đáng. Và, Vũ của chúng tôi, thường cũng quá đáng. Tôi có cảm tưởng rằng sau giai đoạn thơ mộng (mang dấu vết của thơ tiền chiến), trong những bài thơ đau đớn của Lưu Quang Vũ về sau, luôn luôn có cái âm hưởng mà Aragon đã để lại trong tâm hồn anh.
Và không chỉ thơ, mà cả cuộc đời Vũ cũng giống như thơ Aragon, cũng là minh chứng cho sự đa đoan phức tạp của cuộc đời, mặc dù lý do khiến cho có sự phức tạp ấy thì khác hẳn.
Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có.
Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22-23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhoà đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ. Nếu hồi trước với Lưu Quang Vũ, ngày nào cũng là ngày vui, sau khi đèo người vợ mới cưới đi làm, chàng thi sĩ trẻ rẽ vào một quán cà phê sang trọng, ngồi làm thơ, đến giờ lại rẽ lên Xưởng phim đón vợ về, thì về sau, tất cả đã thay đổi. Nơi người ta thường gặp anh là những quán nghèo “quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa”, người con gái đi bên cạnh anh là một cô bạn gày guộc “em gầy như huệ trắng xanh”, cô gái như hiện thân của cuộc đời vất vả phiền phức mà Vũ không thể lìa bỏ. Và “phố Hạ Hồi bữa ấy mưa rơi” - những ngày ấy sao mà trời hay mưa:
- Thành phố nghèo mù mịt những mưa rơi
Cánh hoa nhoè trong mưa tơi tả
- Chiều nay bốn bề mưa xám
- Nay một mình trở lại ngoại ô mưa
- Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xoá nhoà hết những điều em hứa.
Trong các thi sĩ đương thời, Vũ là người nhạy cảm với mưa, thân thuộc với mưa hơn ai hết. Ở anh, mưa cho thấy sự trôi qua của thời gian mà con người bất lực, không sao níu kéo nổi. Mưa làm cho hiện tại trở nên vô nghĩa và tương lai trở nên lờ mờ, không xác định.
Về phần mình, tôi có những kỷ niệm yêu thơ Vũ theo một cách khác. Cũng như nhiều người, trong tâm trí tôi, thỉnh thoảng lại vang lên những câu thơ đâu đâu, nó đã ăn sâu vào tiềm thức, không cần nhớ tên tác giả, không thuộc cả bài, nhưng cứ nhớ và khi gặp hoàn cảnh tương đồng thì lại ngâm ngợi.
Một kỷ niệm tưởng không đâu mà lưu luyến mãi trong lòng:
- Có lẽ nào có thể quên được nhỉ
Cuộc đời mình còn có cỏ tóc tiên
Những lúc run rẩy xúc động:
- Trời xanh quá, tim tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình
Nỗi ước nguyền được hết lòng cho một người con gái:
- Không làm thơ, anh sẽ làm lá cỏ
Chỉ xanh thôi, cũng mát mắt em nhìn
Từ một chi tiết có vẻ nhỏ nhặt :
- Ngày hạnh phúc có nụ cười mỏi mệt
Đến một cái gì giống như là cảm giác chung về cuộc đời này, nó đã làm khổ ta, mà ta không dứt bỏ được :
- Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu
Tất cả những câu thơ đó là Lưu Quang Vũ, Lưu Quang Vũ của Hương cây và nhất là Lưu Quang Vũ sau Hương cây, Lưu Quang Vũ của những năm bảy mươi hào hùng và cay đắng. Nên đánh giá những bài thơ này của Vũ như thế nào? Tôi nhớ một câu nói của Chế Lan Viên đại ý: nếu tất cả văn học chúng ta viết như Nguyễn Tuân thì chắc chắn không được, thậm chí còn phát chán nữa. Nhưng nếu trong toàn bộ nền văn học, không có một Nguyễn Tuân, thì cũng rất thiếu sót. Cũng tương tự như vậy, báo chí những năm chiến tranh không thể cho in những dòng thơ mang tâm sự cá nhân, điều ấy là đúng, giọng thơ chủ yếu của những năm chiến tranh phải là giọng thơ hùng tráng. Nhưng cùng với sự lùi xa của thời gian, sẽ là công bằng hơn nếu giờ đây chúng ta dành “một chỗ đứng dưới ánh mặt trời” cho những bài thơ xé lòng lâu nay chỉ chép trong sổ tay của nhiều người – đại loại như những bài thơ của Vũ.
Vương Trí Nhàn