(BVPL) - Nắng chiều vàng nhạt. Gió nam thổi mát rượi. Đàn chim bay về rừng khuất dần trong mây. Ngọn đồi phía Tây đang trùm bóng râm xuống các ngả đường do Ban dự án thành phố vừa đổ đất thi công xây dựng khu đô thị mới. Một số nhà cao tầng đã xây xong, nhiều đường bê tông chia thành từng ô rộng thênh thang, hai bên trồng nhiều cây cảnh xanh tốt…
Lúc này, đã có đông người dân ở quanh đó đi bách bộ, tập thể dục. Bỗng bên đường có một ông già mặc quần áo màu gụ bạc phếch, mặt mày hốc hác vẻ đăm chiêu, ngỡ ngàng trước sự đổi thay kì lạ đó. Thật khó nhận ra khu đất này trước kia là bãi biển nhiều vạt sú xanh, nhiều trồi đá to; khi nước biển dâng cao, thuyền đỗ được vào sát bờ đường cái. Đến khu đất san lấp chưa xong, ông dừng chân, chau mày nhìn chằm chằm xuống một trồi đá đỏ. Chờ lúc vắng người, ông hẫng hụt bước xuống đám đất vừa đổ lổn nhổn, tay run rẩy sờ lần các góc cạnh xù xì của trồi đá, rồi lùa tay quanh một hốc đá to. Ký ức một thời lại dội về quay cuồng. Ngày ấy, ông làm nghề thuyền chài, có người con trai tên là Song tuổi ngoài hai mươi, khoẻ mạnh và người con gái tên là Nhôi, tuổi chừng mười lăm, xinh xắn, đáng yêu. Cha con ông thường cho thuyền neo đậu bên trồi đá này để đem cá lên chợ bán. Lúc rảnh rỗi, thằng Song hay lên phố xép la cà, nhảy nhót với bạn bè. Song không muốn ai biết mình là “con nhà thuyền chài” nên nói sĩ: “Mình làm kĩ thuật khoan bắn mìn ở mỏ”. Dần dà, Song buôn bán nhiều thuốc mìn và kíp mìn nên bị lộ. Biết công an đang truy bắt khẩn cấp, Song hoảng hốt lẩn theo thuyền trốn đi nước ngoài.
Bốn năm sau. Vào một buổi sáng lúc nước biển lên, ông cho thuyền đậu bên trồi đá đỏ, rồi sực nhớ cơn ác mộng đêm qua. Rõ ràng, ông thấy thằng Song chưa trốn ra được nước ngoài mà phải làm lao công cực khổ cho một thuyền buôn ngoài biển cả. Lúc nó trượt chân đánh đổ hàng, gã chủ trói nó vào cột buồm, vụt roi cá đuối tới tấp vào mặt rồi quẳng xuống biển... Sợ cơn ác mộng thành sự thật, ông múc nước biển đổ đầy cái hốc của trồi đá, rồi thả vào đó một con cá song nhỏ còn sống. Con cá vẫy đuôi lượn mấy vòng mới dừng lại giương mắt nhìn ông. Ông mỉm cười, rộn lên niềm hy vọng, khẽ gật đầu lẩm bẩm: “Cá ơi, hãy thế mạng cho thằng Song con trai của ta nhé!..” Rồi ông nhanh tay đốt hương cắm vào khe nứt ở miệng hốc đá và chắp tay khấn. Trước khi cất lời, ông ngoái đầu lại phía sau, thấy ở đống sỏi cát trên mép nước ngoằn ngoèo có hai đứa bé trai đang tắm truồng, chạy lông nhông cười hét inh tai, nên nghĩ: “Mình cúng thần biển mà có trẻ con để truồng nhồng nhộng thế kia sẽ mất thiêng”. Ông nghiến răng, quắc mắt quát to: “Biến ngay” - Hai đứa trẻ sợ hãi bảo nhau chạy lùi ra bờ lạch nước phía xa. Ông bắt đầu khấn: “Xin thần biển hãy nhận lễ thế mạng bằng con cá song tươi sống, rồi phù hộ cho thằng Song thoát ra nước ngoài được an toàn. Và xin phù hộ cho thuyền của con đánh bắt được nhiều cá to, có đủ tiền mua thuốc chữa bệnh cho vợ con mấy tháng nay nằm liệt giường...”.
Ông đang chăm chú giãi bày nguyện vọng trước thần linh, bỗng có tiếng khóc òa của một thằng bé. Ông liếc mắt thấy nó vừa chạy lên đường vừa gọi: “Cô Nguyệt ơi, em Tý chết đuối rồi…” - Ông ngừng khấn và thấy ở giữa dòng nước cuộn lên lờ mờ cái đầu và bàn tay nhỏ vẫy vẫy rất yếu. Nhưng khi quay lại, chợt thấy con cá rung vây quẫy đuôi bơi vòng quanh khá nhanh, ông vụt nghĩ: “Có lẽ các thần đang dang tay đón nhận cá song để phù hộ cho thằng Song, mình mà lơi khấn thì các thần sẽ không nhận lễ”, nên ông cứ tập trung vào việc khấn vái.
Cái Nhôi ở trong khoang thuyền vội ló đầu ra, ngẩng mặt khẩn thiết nói:
- Thầy ơi, có đứa trẻ bị sa giữa dòng lạch, con đẩy thuyền ra cứu nó nhá?
- Không được, nghề thuyền chài mà cứu người chết đuối thì rất xúi. Hơn nữa, đang lúc khấn thần, làm thế thằng Song sẽ bị bỏ xác ngoài đại dương!
- Nhưng!..
- Im mồm, để yên cho tao khấn nốt! - Nói rồi ông thấy khói hương bay quấn quýt, con cá lắng vây có vẻ nghe được lời người khiến ông rợn tóc gáy...
Trên bờ, chị Nguyệt đang hốt hoảng chạy xuống mép bờ lạch, ngơ ngác nhìn trời biển, gọi thất thanh: “Tý ợ ơi, con tôi đâu rồi!.. Ơi các ông, các bà ơi, cứu con tôi với!..”.
Mọi người đổ xô đến, chia nhau lao xuống các ngả bãi sú và khe của các trồi đá nhỏ phía xa để tìm thằng Tý. Họ hỏi nhau: “Thấy không?”- “Không thấy!” - “Tìm kỹ ở các cụm sú rậm xem nào!” - “Tìm kỹ rồi!” - Một ông trung tuổi nói to: “Bà con cố gắng tìm cháu, kẻo nước biển rút cuốn trôi mất xác!..”
Chị Nguyệt liền chắp hai tay vái ông chài: “Ông chài ơi, làm ơn đẩy thuyền ra lạch cứu cháu giúp con!..” - Với bộ mặt lạnh lùng, ông chài bước lên thuyền rồi cúi đầu chui tọt vào trong khoang. Chị Nguyệt ôm đầu, vật vã khóc than thảm thiết.
Lúc này, có một anh bộ đội trẻ măng chạy tới, đang nguyên cả quần áo lao xuống dòng lạch bơi ra xa mò tìm. Lát sau, đầu và lưng của anh ùa lên mặt nước. Anh nhoai người cắp được đứa bé vào chỗ nông của vạt sú, vác nó lên vai chạy ào lên bờ. Đặt thằng bé lên đám cỏ non, anh luồn tay day ngực, du mồm hà hơi vào miệng nó nhiều lần. Các cô bác đứng đó cũng khẩn trương cùng anh bộ đội làm các động tác hô hấp cho thằng Tý, nhưng mặt nó vẫn xám ngoét, trái tim nó đã không còn đập nữa.
Cái Nhôi ở trong khoang thuyền chui ra, đưa tay gạt nước mắt rồi vội cầm sào đẩy thuyền thoát nhanh ra khỏi dòng lạch. Còn lại khoảng không đầy tiếng khóc gào như xé ruột của chị Nguyệt, xen lẫn tiếng bà con trên bờ nguyền rủa “cha con ông chài độc bụng”.
Những ngày sau, người dân phố xép và bà con ven bãi biển không thấy thuyền của ông chài đó neo đậu ở đám trồi đá đỏ nữa. Và cũng không thấy bóng cha con ông đem cá lên bán ở bến chợ nào. Người ta đồn rằng, sau đận ấy, cái Nhôi suốt ngày hậm hực vì hôm đó bố nó không cho nó đẩy thuyền ra cứu đứa bé đuối nước. Rồi một tối, sau khi cho mẹ ăn cháo, uống thuốc xong, nó lặng lẽ xách túi quần áo theo bạn bè đi làm ăn tận đảo Cô Tô”. Giữa đêm giá lạnh, bà chài lên cơn đau quằn quại, vật vã khóc than đòi ông chài đưa đi bệnh viện. Ông chài định sang nhờ bà con hàng xóm khiêng cáng võng giúp, song tiếng khóc gào của người mẹ sinh ra đứa con chết đuối cứ rờn rợn bên tai, khiến chân tay ông run rẩy. Hai tay bà chới với quờ quạng, ú ớ vài lần rồi tắt thở. Chân tay ông run cầm cập, miệng lào xào thốt lên những lời chỉ mình ông nghe được.
Từ đó, ông chài buồn rầu lẩn thẩn như người mất hồn. Và chẳng bao lâu, ông bỏ nghề thuyền chài lên ở hẳn trên bờ, lọm cọm làm nghề đan thuyền mủng kiếm sống trong nỗi khổ không con, không cháu ở bên đỡ đần.
Nay nghe có sự đổi thay của bãi biển xưa, lòng ông chài chồn rộn về chuyện đã qua, nên muốn tìm lại chỗ đỗ thuyền có cái hốc của trồi đá cúng thần để xin trời biển xá tội cho lòng ông vơi đi nỗi day dứt.
*
* *
Khi vầng mặt trời đỏ lừ tròn như quả bóng vừa đậu xuống ngọn thông trên đỉnh đồi đằng Tây, thì ở đầu đường có một chị đi tới, đốt hương vái tứ phương rồi cắm xuống mô đất, miệng lầm rầm khấn. Thấy có ông lão già đứng dưới đám đất lổn nhổn, chị gọi to:
- Ông ơi, ông xuống đám đất bừa bộn ấy làm gì. Sao không lên đường mà hít thở không khí trong lành cho khỏe?
Ông từ từ ngước lên:
- Vâng, chào chị! Nơi đây có chuyện gì mà chị lại thắp hương?
- Khoảng đất này xưa kia ngập nước biển, đứa con trai của cháu bị chết đuối nên cứ vào ngày này, cháu lại đến đây thắp hương!
Bỗng giật thót người, ông mấp máy môi gặng hỏi:
- Ơ, ơ, nếu thế thì... hình như… chị tên là Nguyệt?
- Vâng! - Chị Nguyệt ngạc nhiên nhìn xoáy bộ mặt hốc hác của ông lão – Sao ông biết tên cháu?
Ông lão đứng lặng im. Chị Nguyệt bần thần nhớ lại mấy năm trước, một người từ Hồng Kông trở về cho biết: “Giữa biển cả, lúc nhốn nháo dưới thuyền, láng máng thấy một anh nói rằng có bố đẻ làm nghề thuyền chài, và có mối tình sâu đậm với một cô gái trên phố xép...”. Chị Nguyệt mông lung nghĩ: Hồi trẻ, mình nhẹ dạ sâu nặng với một thanh niên dân chài tên Song mà không biết cha mẹ, nhà cửa anh ta ở đâu nên đành chịu tiếng hoang thai, sinh con, nuôi con một mình... Sau đó, mình đã lần tìm tung tích nhà Song nhưng vô hiệu. Nghĩ rồi chị Nguyệt trấn tĩnh ướm hỏi:
- Ông ơi, hình như ông là?..
Ông chài run rẩy trả lời:
- Vâng vâng, tôi là người làm nghề thuyền chài, xưa kia thường cho thuyền neo đậu ở đây, và và...
Chị Nguyệt chau mày, lẩm bẩm: “Có thể là ông chài ngày ấy?..” - Chị đứng lặng một lát, rồi gượng hỏi tiếp:
- Ông có biết ai tên là Song, dạo xưa buôn kíp mìn bị công an truy nã đã trốn đi nước ngoài biệt tăm?
Ông chài run rẩy trả lời:
- Có có, thằng Song... nó là con trai tôi!
Chị Nguyệt sững người nhìn kỹ khuôn mặt ông lão một lần nữa… Bỗng chân tay rụng rời, chị lắc đầu chua chát than van:
- Ôi trời cao đất dày ơi... ới ông chài ơi… Đứa bé ngày ấy bị chết đuối ở đây... chính là con trai của anh Song đấy!..
Ông chài hoảng hốt nhìn chị Nguyệt. Chị Nguyệt vừa đi như chạy vừa ôm mặt khóc. Ông chài luống cuống, đôi chân run rẩy với gọi: “Ơi chị ơi, xin chị đứng lại cho tôi hỏi thêm!..”
Nhưng chị Nguyệt vẫn đi trong dòng nước mắt, chân bước liêu xiêu vô hướng.
Ông chài đứng trơ, suy ngẫm lại lời nói mấy năm trước của một bà cũng từ Hồng Kông trở về cho biết: “Có gặp thằng Song đang khuân vác hàng cho chủ thuyền. Nó chỉ nói vội được mấy câu rằng: Trước khi trốn chạy, nó đã ăn nằm với một cô gái trên phố xép, nhưng do việc chạy trốn gặp nhiều nguy hiểm nên chưa thể liên lạc với nhau được.” - Ông chài bủn rủn cả người, thều thào: “Trời ơi, hoá ra chị đó là mẹ của đứa con trai chết đuối ở đây... Mà đứa con trai ấy chính là giọt máu của thằng Song à?..” - Ông bưng mặt khóc hu hu trong nỗi đau vò xé nát ruột. Ông muốn lấy hết sức mình gọi và nói thật to với chị Nguyệt rằng từ bấy đến nay lương tâm ông cũng luôn bị cắn rứt về cái thói “Nghề thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối”. Ông cắn răng thở dài, giơ nắm tay yếu ớt đấm miết nhiều lần vào ngực mình.
Mãi tối mịt, người ta mới thấy ông chài đó lật đật bước lên đường bê tông, lủi thủi dò lần về nơi xóm vắng.
Truyện ngắn của Phạm Ngọc Hưng