Khu di tích Lam Kinh mang ý nghĩa là “kinh đô tưởng niệm” của vương triều Hậu Lê. Di tích này đã trở thành di sản đặc biệt được hậu thế ngưỡng vọng và tìm về chiêm bái mỗi độ lễ hội “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
|
|
Các đại biểu và Nhân dân tham dự Lễ hội |
|
Lễ hội Lam Kinh (diễn ra trong các ngày 21,22 tháng 8 âm lịch hàng năm), với không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm, để tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn. Lễ hội đã được khôi phục lại với nhiều lễ nghi trang trọng và linh thiêng.
Trong đó, phần lễ với các nghi thức rước linh vị, tấu cáo tiên tổ thành kính, nghiêm cẩn. Phần hội tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo (trò Xuân Phả, múa rồng…) vô cùng đặc sắc, ấn tượng, ví như bản hòa âm nghệ thuật đậm đà bản sắc vùng văn hóa Lam Sơn và văn hóa dân tộc. Lễ hội Lam Kinh với các giá trị to lớn và bất biến của nó có thể ví như “một bảo tàng văn hóa”, “bảo tàng tâm thức” lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc.
|
|
Lễ hội Lam Kinh (diễn ra trong các ngày 21,22 tháng 8 âm lịch hàng năm), với không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm |
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh.
Sau nghi thức rước kiệu, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố... kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công đức vua Lê Thái Tổ, cùng các bậc tiền nhân, các anh hùng, nghĩa sĩ đã có công lao trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
|
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công đức vua Lê Thái Tổ |
Phần hội của Lễ hội Lam Kinh năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rực rỡ”, bao gồm 8 phân đoạn, nhằm tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, Nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh, tạo nên dấu son rực rỡ. Đồng thời, thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.
|
|
Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa |
Chương trình quy tụ số lượng lớn các nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hoá, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hoá, Câu lạc bộ Trò diễn Xuân Phả, huyện Thọ Xuân và sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa, mang đến cho khán giả và du khách một trải nghiệm nghệ thuật ấn tượng.
|
|
Mỗi dịp Lễ hội Lam Kinh là hàng vạn du khách thập phương đổ về đây dâng hương chiêm bái |
Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của xứ Thanh... Lễ hội Lam Kinh là hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; tôn vinh những giá văn hóa xứ Thanh; là dịp quảng bá nét đẹp về đất và người Thanh Hóa; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân.
Có thể nói, thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở thế kỷ thứ XV, là một dấu son ngời sáng trong tiến trình lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.