leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Lê Duẩn trao đổi về sản xuất nông nghiệp với nông dân xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (năm 1985). Ảnh tư liệu/TTXVN 

Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/3/1985, tôi và nhà báo Đinh Chương (PV TTXVN tại Đà Nẵng) dò lại lần cuối bài phản ánh của anh (thực ra là một tin sâu, kết nối dài từ nhiều đoạn ngắn) được đăng trên báo Nhân Dân cùng ngày. Bài báo ấy tường thuật chi tiết và sinh động hoạt động của Đoàn Lãnh đạo cấp cao, do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu, đã diễn ra hai ngày trước trên địa bàn Quảng Nam- Đà Nẵng. Với bản tính khiêm tốn, lịch lãm, anh Đinh Chương yêu cầu tôi đọc dò kỹ cả bản thảo đánh máy lẫn bản in (sắp chữ chì) và phải góp ý thêm. Tôi chỉ dám kiến nghị anh sửa ba từ. Anh tiếp thu ngay, còn khen: “... Cậu khá lắm. Chắc sau này làm báo sẽ giỏi!”. 

Tiếp câu chuyện sáng hôm ấy, khi mặt trời vừa ló dạng, áng chừng khoảng 5h40p, khi anh Đinh Chương rời khỏi Nhà in báo Nhân Dân tại Đà Nẵng, kịp về dự Đại lễ, diễn ra sáng ấy, trước Công viên 29/3 (trên đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng), anh Lượng vừa lái xe U- oát ra khỏi khuôn viên 2 (Trần Qúy Cáp, Đà Nẵng), vừa réo gọi tôi gấp gáp:.. “Danh Lân, lên xe mau! Ngồi ô tô đi xem Đại lễ cho biết to ra răng... Mau lên!”. Sau cả đêm thức trắng, mắt đờ ra vì các loại bản thảo truyền mờ ảo qua hệ thống tê- lê- tuýp và fắc - xi- min, tôi chẳng kịp nghĩ gì, cứ thế “phóc” ngay lên xe. Cả hai vui quá nên quên khuấy mất chuyện chính chiếc xe ấy vốn dành riêng để chở đồng chí Hồ Dưỡng (tức Hồ Cúc Phương), Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân đi dự Đại lễ. Bởi thế, trên kính xe đã dán sẵn phù hiệu chữ A in đỏ, trên nền trắng, trong vòng tròn viền vàng, do Bộ Công an cấp. Song, đồng chí Hồ Dưỡng đã đi cùng vợ là đồng chí Nguyễn Thị Lãnh, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam - Đà Nẵng trước đó trên một chiếc ô tô khác của Văn phòng UBND tỉnh, do đó, mới dư xe U- oát này. Sự thể rắc rối cho tôi, khởi nguồn, bắt đầu chính từ đó...

Đến Ngã ba Cai Lang, các ô- tô con đi trước và sau xe tôi đều được chạy thẳng, hướng ra phía trước Lễ đài. Riêng xe chở tôi, bị các đồng chí cảnh sát ngăn lại, tách hẳn ra, ép dẫn vào sâu trong Công viên, ngay sau Lễ đài... Khi bước xuống, cảm nhận chung của riêng tôi, là... bắt đầu sợ và biết... không thể chạy! Lực lượng an ninh, cảnh sát đã dàn hàng so le và dày đặc, kết nối thành đường dẫn, “định hướng” tất cả phải lên ngay Lễ đài. Dĩ nhiên, tôi không thuộc nhóm có “đặc ân” được lên Lễ đài ấy! Tâm thế đã “bé nhỏ”, tôi càng trở nên “nhỏ bé” hẳn đi, khi đi giữa các đồng chí Lãnh đạo cấp cao và cao cấp là Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đoàn Khuê, Nguyễn Huy Chương, Trần Thận, Hoàng Minh Thắng (tức Nguyễn Tấn Vịnh), Phạm Đức Nam… Nếu lúc bấy giờ, tôi vội tách ra, lén bỏ đi, chắc hẳn sẽ bị bắt ngay. Bởi lẽ, cho đến thời điểm ấy, dù đã 10 năm sau Chiến thắng 1975, nhưng việc bảo đảm an ninh vẫn được tổ chức rất chặt chẽ và việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội trong Đại lễ là việc hệ trọng. Trong khi, do vội, trong túi tôi lúc đó, không kịp mang theo Thẻ Nhà báo. “Cực chẳng đã”, tôi đành phản xạ nhanh, theo cách phải “tự làm lớn mình”, liều bắt tay bằng chỉ ...một tay, với bất cứ ai chìa tay ra với tôi và không quên nở vội trên môi nụ cười thân thiện, như là “lâu ngày gặp lại” (!?)... 

Khi bước lên Lễ đài, tôi làm gì có “tiêu chuẩn” ghế ngồi, nên đành né lùi dần sang bên từng bước; để rồi cuối cùng được đứng ngay sau lưng các đồng chí Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp. Ngày nay, nhìn lại các bức ảnh lịch sử ấy, do các Nhiếp ảnh gia thành danh như Ngọc Hợi, Minh Nguyệt, Ngọc Cẩn, Xuân Quang... chụp lúc bấy giờ, ngẫu nhiên có tôi trên Lễ đài, lòng riêng nghĩ lại, càng thêm vui.

leftcenterrightdel
Các nhà báo tác nghiệp tại đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Thành Huy Long 

...Phải công nhận Đại lễ sáng hôm đó thật sự nghiêm túc, mà hồ hởi; rất hoành tráng và hiếm có. Bởi, sau Giải phóng, trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng, đó là lần đầu, chúng ta có diễu binh và kết hợp diễu binh với diễu hành. Trong Bài diễn văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Lê Duẩn khẳng định, đại ý: ... “Chúng ta rất tự hào, bởi ngay trên đô thị Đà Nẵng này, quân dân cả nước, chủ công và tại chỗ là chiến sĩ và đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng đã đập tan 30 vạn quân đội Mỹ - Ngụy, làm thay đổi cơ bản tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta và mở ra bàn đạp chiến lược, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30/4/1975”. Cũng trong buổi lễ ấy, đồng chí Lê Duẩn hỏi khẽ đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí xem có thấy hay không?”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng ngón tay nâng nhẹ mũ kê - pi quân đội trên đầu, ý nhị đáp: “Tôi thấy Đoàn tuồng rất hay!”. Quả thật, đúng lúc đó, dưới Lễ đài, Đoàn diễu hành của Đội tuồng Xứ Quảng đang hồ hởi đi qua, phấn khích hướng mắt về phía đồng chí Võ Nguyên Giáp và thúc trống dồn dập, rất rộn ràng...

Sau đợt diễu binh, chờ diễu hành, trên Lễ đài, có vài phút giải lao ngắn tại chỗ. Đa số ngồi yên, cũng có vài người vội đứng lên. Bất ngờ, đồng chí Lê Duẩn đứng dậy, xoay người lại. Mặt giáp mặt, tôi chẳng còn chỗ nào khác để né tránh sang bên. Đồng chí Lê Duẩn chủ động và nhẹ nhàng bắt tay tôi: “Đồng chí thuộc cơ quan nào?”. Tôi kính cẩn bắt tay bác Ba Duẩn bằng cả hai tay: “Dạ, thưa bác, cháu thuộc báo Nhân Dân ạ!”. Bác Ba Duẩn thân mật: “Thế à? Chỗ Đặng Ha chứ gì?”. May mà tôi biết tên thật (tên khai sinh) của đồng chí Hà Đăng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân thời đó, nên đáp: “Dạ, đúng thế, thưa bác...”. Đồng chí Lê Duẩn nói tiếp: “Trước đây, mình cũng làm báo đấy. Từ năm bâm chín (1939)”. Nhờ chút kiến thức nhỏ về Đảng, tôi mạnh bạo thưa: “Nếu cháu nhớ không nhầm thì ở giai đoạn ấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư của Đảng và bác lúc ấy còn mang tên là Lê Nhậm, hoạt động ở Hải Phòng. Bác viết về đường hướng cách mạng vô sản, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền, nhưng không cực tả!”. Tôi nghĩ mình đã bạo miệng và lỡ lời. Nhưng không! Bác Ba Duẩn cười rất tươi, dù lúc đó mắt bác đã chuyển sang màu đồng thau, do tuổi già, sức khỏe yếu dần và bác vừa qua một đợt mổ “thập tử, nhất sinh”. Trong bối cảnh ấy, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: ... “Nghề báo cần trung thực, có trách nhiệm. Làm báo, nhất là làm báo Đảng cần phải nắm vững lý luận, bám sát thực tiễn. Có cả yêu cầu hiểu biết, nắm vững lịch sử Đảng ta. Mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta có nhiệm vụ lịch sử, đường lối chiến lược riêng và cụ thể. Người làm báo phải hiểu rõ, nắm vững những điều đó, để khi phản ánh cuộc sống không chệch đường hướng. Nói chung, yêu cầu khi làm báo cách mạng là phải đúng, khi viết báo cách mạng là phải trúng!”. Bác Ba Duẩn đang định nói tiếp, thì đồng chí Hoàng Minh Thắng lách người đi tới: “Kính mời Anh Ba và các đồng chí uống chè xanh. Các cháu gái đã bưng lên đây rồi!”. Tôi còn muốn nghe thêm, nhưng đành lùi né hẳn sang bên, đáp với theo: “Dạ, cháu rõ rồi ạ! Tụi cháu còn trẻ, nên luôn cố gắng để viết cho đúng...”. Không ngờ, dù đã nhớm chân bước đi cùng đồng chí Hoàng Minh Thắng, nhưng có lẽ do vẫn nghe rõ nên đồng chí Lê Duẩn vẫn kịp khựng lại, nhướng mắt về phía tôi: “Ấy,... Đã viết, thì... không chỉ “đúng”, mà còn phải “trúng” nữa chứ?  Đồng chí nên phân biệt cho được tầm độ giữa “đúng” và “trúng” nhé!”.  Lần này, đúng là tôi đã lỡ lời... Song, cũng nhân “cơ hội” ấy, tôi đã có “cơ may”, để  “thoát” nhanh khỏi Lễ đài...

Ngày nay, dù xã hội đã khác trước rất nhiều. Cả xã hội ta, trong đó có báo chí cách mạng Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận, giao thoa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng, suy đến cùng, những lời chỉ dẫn kể trên của đồng chí Lê Duẩn vẫn còn nguyên tính thời sự và còn lưu đọng thêm giá trị chuẩn trong nghề báo.

Trần Danh Lân