Lai lịch chiếc hộp bằng vàng ở chùa Ngọa Vân được hé lộ
Cập nhật lúc 16:31, Thứ năm, 05/07/2012 (GMT+7)
Nhiều khả năng chiếc hộp bằng vàng ta này được chế tác bởi các thợ kim hoàn khéo tay tại Thăng Long và là đồ dùng của Hoàng cung. Quảng Ninh sẽ đề xuất xếp hạng Bảo vật quốc gia cho cổ vật thời Trần này.
Tiến sĩ Bùi Minh Trí cho biết, trong lịch sử Việt Nam cổ trung đại, những đồ vật dùng trong sinh hoạt được chế tác bằng kim loại quý như vàng, bạc thường là người thuộc đẳng cấp cao trong xã hội sử dụng. Những đồ vật làm bằng vàng, bạc phát hiện ở các di chỉ khảo cổ học ở miền Bắc không nhiều, thậm chí rất hiếm hoi, phổ biết nhất vẫn là các loại đồ dùng bằng gốm sứ.
Duy nhất vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, tại Hưng Yên, đã tìm thấy 5 đĩa vàng trang trí hoa văn dây lá có niên đại thời Lý. Các đĩa vàng này ngay lập tức được xếp vào hàng Quốc bảo của Việt Nam và đang được bảo quản tại Kho bạc Nhà nước (chi nhánh Hưng Yên), chưa từng ra mắt công chúng.
Tại Hoàng thành Thăng Long, qua đợt khai quật lớn năm 2002 - 2004 cũng đã tìm thấy một số di vật bằng vàng, nhưng đều là những mảnh vỡ, khó xác định được hình dáng cụ thể của đồ vật, trong số đó, quý nhất là mảnh lá vàng chạm khắc hình rồng có niên đại thời Lý, di vật này được xác định là đồ ngự dụng của vua Lý.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, chiếc hộp hình hoa sen bằng vàng vừa tìm thấy tại Đông Triều là phát hiện khảo cổ học hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên một hiện vật khảo cổ học bằng vàng giá trị được tìm thấy tại quê gốc của nhà Trần, nơi vương triều Trần chọn làm nơi xây dựng quần thể các lăng mộ vua Trần từ sau năm 1320. Thời gian tới, UBND huyện Đông Triều sẽ đề xuất xếp hạng Bảo vật quốc gia cho cổ vật thời Trần có một không hai này.
Theo An ninh Thủ đô
.