Con cái thích gì, muốn gì là ba mẹ, ông bà sẵn sàng đáp ứng ngay. Đó là biểu hiện cưng chiều con quá mức của không ít gia đình hiện nay, nhất là các gia đình mới có một con. Vì được nuông chiều, muốn gì được nấy nên trẻ dễ hư hỏng, không biết vâng lời người lớn.

 


Sau 5 năm chung sống, vợ chồng anh Hùng - chị Huệ (ở đường Nguyễn Thanh Đằng, TP. Bà Rịa) chạy chữa khắp nơi, tốn bao tiền của, công sức mới sinh được bé Trang. Khi bé chào đời, vợ chồng chị và hai bên gia đình nội ngoại rất vui. Vợ chồng chị Huệ có một tiệm bán đồ nhựa ở chợ Bà Rịa, công việc khá bận rộn nên anh chị gửi con cho ông bà nội ở sát bên, đến tối mới đón con về. Nhà khá giả nên bé Trang không thiếu thốn thứ gì, thích gì được nấy. Từ nhỏ, bé rất ngoan nhưng đến tầm 3 tuổi, do được cưng chiều quá mức, bé dần trở nên bướng bỉnh, luôn bắt người lớn phải làm theo ý mình. Có hôm đang ăn cơm tối, bé Trang không chịu ăn, đòi mẹ chở đi mua đồ chơi. Chị Huệ bảo ăn xong mới đi, thế là bé nằm lăn ra nhà khóc thét ầm ĩ, làm đổ cả chén cơm. Tức giận, chị Huệ đánh vào mông bé mấy cái thì bé Trang càng khóc to hơn. Nghe tiếng cháu khóc, bà nội chạy sang, chưa hiểu chuyện gì đã quát tháo chị: “Con của chị chứ phải con của người dưng đâu mà chị không biết xót. Chị định đánh nó tới chết à. Cháu tôi, tôi nuôi, chiều tí thì đã làm sao, chừng ấy cũng không làm được. Có đứa con quý hiếm mà không biết thương nó”. Được bà nội bênh, bé Trang càng ăn vạ, đòi bà dẫn đi mua đồ chơi. Chị Huệ ngồi lặng thinh, không nói được gì.

Trong thực tế, việc cưng chiều con cháu như ông bà nội bé Trang khá phổ biến. Trường hợp của chị Thu (ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cũng tương tự. Mới có đứa con trai đầu lòng 6 tuổi, đang học lớp 1 nên chị Thu rất cưng chiều. Ngày nào cũng vậy, hễ tan trường, thấy mẹ đón là bé Nam, con chị Thu lại vòi vĩnh đủ thứ, hết đòi mua đồ chơi đến đi công viên, đòi ăn vặt... Những lúc như thế, chị Thu thường đáp ứng ngay. Có lần con đòi mua cây kiếm, chị Thu không đồng ý vì cho rằng, con chơi kiếm sẽ nguy hiểm. Thế là bé Nam lăn ra khóc ngay tại tiệm bán đồ chơi. Dỗ dành mãi con không nín, lại ngại với mọi người xung quanh, cuối cùng chị Thu phải chiều theo ý con.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp cưng chiều con quá mức, nhất là những gia đình có kinh tế khá giả và ít con. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được nuông chiều chỉ biết đến bản thân mình, cho rằng mình đòi gì, thích gì là sẽ được đáp ứng. Khi không được đáp ứng, trẻ sẽ có những lời nói hỗn hào, thái độ thiếu lễ phép, hành động ngỗ ngược…

Theo chuyên gia tâm lý Thanh Tâm (TP. Hồ Chí Minh), cha mẹ, ông bà không nên nuông chiều trẻ quá mức. Cha mẹ nên nói cho trẻ biết giới hạn của những yêu cầu, điều gì có thể đáp ứng, điều gì không, hãy giải thích cho con hiểu vì sao không thể đáp ứng yêu cầu của con một cách rõ ràng, nhẹ nhàng. Cha mẹ có thể làm theo yêu cầu chính đáng của con nhưng cũng đề nghị con phải đáp ứng những điều kiện kèm theo. Cha mẹ và người lớn trong gia đình nên hình thành các quy tắc ứng xử, nói năng, hành động để trẻ định hình được nguyên tắc sống phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần có sự thống nhất trong cách giáo dục con và cả những cử chỉ, lời nói hàng ngày đối với con; cho trẻ thấy cha mẹ luôn yêu thương con và muốn con ngày một phát triển hoàn thiện chứ không ghét bỏ gì con. Khi con không nghe lời, cha mẹ cần có cái nhìn đúng đắn để kịp thời uốn nắn, kể cả dùng hình phạt chứ không nên nghĩ rằng chuyện nhỏ mà bỏ qua. “Cha mẹ cần dùng phần thưởng hợp lý để kích thích trẻ ngoan ngoãn và có thái độ đúng mực, không nên lấy vật chất để mặc cả với trẻ. Phần thưởng chỉ nên trao sau khi bé đã hoàn thành tốt một việc nào đó thực sự có ý nghĩa” - chuyên gia tâm lý Thanh Tâm tư vấn thêm.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.