Trong nội dung của một chiến dịch phát động, cơ quan hữu trách đã đưa ra những qui định rất chi tiết khi có tới 10 điều “Nên” và 10 điều “Không nên” dành cho người Việt Nam khi đi du lịch trong và ngoài nước.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc kỹ 20 điều ấy người ta thấy rằng đó chính là một bài học lớn dạy cách làm người lịch sự. Những yêu cầu ấy đâu có gì quá khó khăn, xa xôi mà chính là nếp sống, kỹ năng sống; là lối ứng xử giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày.

Đơn cử việc nên ưu tiên giúp đỡ người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em; nên xếp hàng khi sử dụng dịch vụ nơi công cộng; nên lấy thức ăn vừa đủ tránh lãng phí; không nên thể hiện tình cảm riêng tư nơi công cộng; không nên vẽ lên tường; không nên mặc quần áo quá ngắn, trang phục phản cảm khi tới tham quan những nơi tôn nghiêm, thành kính…

Bài học dạy mỗi người nếp sống và lối sống chuẩn mực từ thuở ấu thơ mà chúng ta đang cần phải học lại, từng được in trong sách giáo khoa dạy nhiều thế hệ học sinh. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ một bài tập đọc lớp Vỡ lòng (SGK cũ hệ 12 năm) có đoạn: Gà cùng ngan vịt/chơi ở bờ ao/chẳng may té nhào/gà rơi xuống nước/không chậm nửa bước/ ngan vịt nhảy theo/ rẽ trong đám bèo/vớt gà lên cạn…

Khỏi phải phân tích dài dòng thì ai cũng biết đó là bài học ca ngợi tình bạn trong hoạn nạn, đề cao sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Và còn nhiều bài học nhẹ nhàng mà thấm thía- giống như câu chuyện kể  trên sẽ còn in trong tâm trí ai đã từng học và đọc khi còn thơ bé. Có người bảo trường học và SGK ngày nay cũng vẫn dạy trẻ em những bài học làm người lịch sự tương tự ấy.

Song xã hội hiện đại khiến cho sự phối kết hợp giữa gia đình- nhà trường và xã hội đang ngày một lỏng lẻo hơn. Chẳng hạn như nhiều ông bố bà mẹ cho rằng trẻ viết vẽ (bừa bãi) ở mọi lúc, mọi nơi  là thể hiện tư duy sáng tạo. Lại cũng có không ít người cho rằng, nhà trường, nhà chùa hoặc các học kỳ quân đội mới là nơi rèn dạy kỹ năng cho trẻ. Các bậc phụ huynh ấy quên rằng, thực ra những kỹ năng sống tối thiểu hoặc hành vi ứng xử của trẻ nhỏ được hình thành từ môi trường gia đình…

Giờ đây mong muốn về một cuộc sống văn minh đang được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch kỳ vọng sẽ bắt đầu từ việc thay đổi hành vi, nhận thức của du khách Việt. Mong sao dù ở trong hay ngoài nước; dù có phải là khách du lịch hay không, nhưng nếu mỗi người dân là một đại sứ thân thiện thì hình ảnh của người Việt sẽ long lanh biết nhường nào.     

 

Theo Đại đoàn kết

.