Bước chân ra khỏi Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động), rất nhiều du khách nước ngoài tụm lại cười nói bình luận rất rôm rả. Nghe đâu đó thấp thoáng trong những câu nói, họ nhắc về múa rối nước “rất thú vị” và “tuyệt vời”.

 


Nghệ nhân Huỳnh Anh Tuấn, người tham gia rất nhiều vở múa rối nước cho biết: “Điều khó nhất khi điều khiển những con rối này là người điều khiển không nhìn thấy được hệ thống dây. Vì vậy, để tiết mục biểu diễn được trôi chảy, những con rối có cử động phù hợp và khớp với lời hò, lời hát, người nghệ nhân phải nhớ được trong đầu dây nào trước, dây nào sau”.

Chính vì đặc thù công việc là thường xuyên ngâm mình trong nước bất kể thời tiết nóng hay lạnh nên những nghệ nhân múa rối nước này phải mặc bộ đồ bảo hộ dày nối liền với ủng bằng cao su.

Hai bên cánh của sân khấu, còn có 6 nghệ sĩ phục vụ âm thanh, chia thành 2 tốp. Những nghệ sĩ này chịu trách nhiệm tạo nhạc, hát cho không khí sôi động, phù hợp đúng lời hò, lời reo của câu chuyện. Trang phục của những nghệ sĩ này thường mang đậm chất truyền thống Việt Nam xưa như nam mặc áo dài, nữ mặc áo tứ thân và sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn, sáo, trống...

Buồng múa rối nước hay còn gọi là thủy đình được dựng lên trên mặt nước. Buồng múa này thường được trang trí theo các mái đình của vùng nông thôn Bắc bộ. Theo từng vở diễn, các con rối sẽ được thay đổi khác nhau cho phù hợp với từng nhân vật và đương nhiên, vở diễn nào cũng có những con rối làm nhân vật chính.

Những tiết mục thường được biểu diễn để phục vụ du khách ở Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng như Múa rồng, Rước Trạng về làng vinh quy bái tổ, Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm, Đua thuyền...

Tất cả những con rối phục vụ trong các vở diễn đều được bảo dưỡng và phơi nắng thường xuyên. Mỗi nghệ nhân trước giờ biểu diễn đều phải kiểm tra kỹ chất lượng, khớp nối, màu sơn của từng con rối để đảm bảo chương trình không bị đứt đoạn giữa chừng vì những hư hỏng. Thế nhưng, vẫn có lần không tránh khỏi những “tai nạn” nghề nghiệp.

Nghệ nhân Tuấn Anh chia sẻ: “Vì phải biểu diễn thường xuyên trong nước nên những con rối bị mục ở bên trong từ lúc nào không biết. Nhiều lúc đang hăng say theo câu chuyện, con rối lại bị gãy đầu, đứng các khớp nối hay rớt đi vài chi tiết. Đang biểu diễn trực tiếp, người điều khiển không thể dừng lại được nên phải khéo léo xử lý để khán giả vẫn nghĩ rằng đó là một chi tiết trong tác phẩm”.

Anh Tiến Lâm, quản lý Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, cho biết: “Đa phần du khách đi xem múa rối nước, họ rất hài lòng và thích thú. Nhiều du khách nước ngoài nói với tôi: Việt Nam có những loại hình nghệ thuật dân gian rất tuyệt vời, đặc biệt là múa rối nước, rất lạ và đặc sắc”.

Với giá vé là 160.000 đồng/buổi diễn, một đêm phục vụ 3 suất, khán phòng chứa được 200 chỗ ngồi, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng luôn kín chỗ, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch tại TP.HCM.

Chị Ngọc Thủy, hướng dẫn viên của một công ty du lịch nổi tiếng tại TP.HCM nói: “Khách du lịch đến TP.HCM đều muốn xem các loại hình nghệ thuật độc đáo trong đó có múa rối nước. Sau buổi biểu diễn, nhiều du khách đã thốt lên rằng múa rối nước Việt Nam rất thú vị, họ rất thích”.

Thế nhưng, “sau hơn 7 năm hoạt động ở đây, điều đáng buồn nhất là rất hiếm khách đến xem múa rối là người Việt Nam. Tôi và những nghệ nhân, nghệ sĩ ở đây làm hết mình, biểu diễn và cố gắng bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật này hết sức có thể. Hy vọng trong thời gian tới, múa rối nước sẽ làm một điểm đến thu hút được nhiều khách trong nước lẫn ngoài nước để bộ môn nghệ thuật này được giữ gìn và không bị mai một” - anh Tiến Lâm chia sẻ.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.