(BVPL) - Tưởng chừng như giữa cái cuộc sống vốn lúc nào cũng vội vàng, gấp gáp, nghệ thuật sân khấu chèo không còn thu hút người xem như trước bởi sự xâm nhập mạnh mẽ của các thể loại âm nhạc hiện đại. Nhưng có lẽ khi đến với đất Cảng, đến với cuộc thi năm nay, một không khí nhộn nhịp, náo nức không chỉ của các diễn viên mà của cả hàng triệu khán giả đều lộ rõ trên từng khuôn mặt.
Tham dự tại cuộc thi lần này, một trong những vở diễn để lại ấn tượng cho Ban tổ chức và người xem đó là “Vương nữ Mê Linh” của Nhà hát chèo Hà Nội. Đầu tư toàn diện, hoành tráng từ quy mô đến chất lượng chuyên môn, được trau chuốt đến từng chi tiết, vở diễn được đánh giá rất cao (được chuyển thể từ lịch sử cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán, thống nhất bờ cõi…). Vở diễn đã thu hút hơn một ngàn người xem trong đêm 24/10/2013…
Đánh giá chất lượng cuộc thi năm nay, PGS Tất Thắng – Nhà lý luận phê bình sân khấu, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo: Mặc dù đây không phải là cuộc thi chèo hiện đại, nhưng tính hiện đại của nó đều thấm đượm trong 24 tác phẩm, khi thì nổi lên như sóng cuộn, khi lại ẩn sâu trong những vở diễn lịch sử, con người của quá khứ. Những vấn đề được dư luận quan tâm như: nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, nạn kiểm lâm câu kết với lâm tặc… đều được đưa lên sân khấu chèo. Nghệ thuật sử dụng hình thái cấu trúc mảnh trò kết hợp hài hòa giữa trò diễn và trò lời, hay biện pháp hài hước tạo ra những tiếng cười sảng khoái cùng với những tràng pháo tay của khán giả đã làm cho vở diễn thăng hoa, “đã chèo càng chèo hơn”.
Tuy nhiên, lại có nhiều yếu tố kịch nói nổi lên, không có hát, sử dụng thứ văn xuôi đơn thuần, thậm chí nói chay. Bên cạnh đó, yếu tố nghiệp dư của các diễn viên vẫn tồn tại trên sân khấu chèo chuyên nghiệp. Chia sẻ trong lễ bế mạc, PGS Tất Thắng nhấn mạnh “việc chọn kịch bản là một khâu quan trọng, cần phải hướng đến những tác phẩm có nội dung văn hóa ứng xử giữa con người với con người, trong những mối quan hệ gia đình, xã hội; tập trung tinh lực vào người chứ không nên sa đà vào việc”.
Kết quả cuối cùng của cuộc thi được trao cho 03 hạng mục gồm: Giải cho các thành phần sáng tạo, giải cá nhân và giải vở diễn. 03 tác phẩm đạt Huy chương Vàng là Vương nữ Mê Linh (Nhà hát chèo Hà Nội), Người thầy của muôn đời (Nhà hát chèo Quân đội), Chuông ngân rừng trúc (Nhà hát chèo Hải Dương). Chia sẻ niềm vui lớn với kết quả nhận được, Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội – NSƯT Đào Lê tâm sự: “Đây là một kết quả mà cán bộ nam nữ diễn viên Nhà hát chèo Quân đội rất phấn khởi. Nó đánh giá công sức lao động, học tập, sự phấn đấu không ngừng mệt mỏi sau một thời gian dài khổ luyện. Điều này sẽ góp phần động viên, khích lệ anh chị em chúng tôi trong bước đường nghệ thuật với những dự án sắp tới”.
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc đã khép lại, nhưng dư âm của nó sẽ còn được nhắc tới. Bởi cái hồn, chất trữ tình thấm đượm trong từng làn điệu vẫn còn lưu luyến người nghe. Tuy nhiên, việc gìn giữ bản sắc chèo cổ theo xu hướng tiên tiến, hiện đại, tiếp thu yếu tố của sân khấu kịch nói và phát triển chúng theo một định hướng ra sao cũng đang là một vấn đề đặt ra cho những người làm nghệ thuật.
Thu Hòa