Du lịch hè 2012: Ồ ạt kích cầu, vẫn ế
Cập nhật lúc 12:52, Chủ nhật, 08/07/2012 (GMT+7)
Với mong muốn đưa ngành du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn suy thoái kinh tế; đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế (ế khách, hàng không, khuyến mại, quảng bá, du lịch)
Với mong muốn đưa ngành du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn suy thoái kinh tế; đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế, các hãng lữ hành lớn trong nước ồ ạt khuyến mại, "bắt tay" với ngành hàng không giảm giá vé để kích cầu du lịch. Nhưng hai tháng cao điểm của đợt khuyến mãi đã qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ suy giảm lượng khách.
Lý giải về tình trạng khách mua tour kích cầu ít, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ cho hay: Doanh nghiệp chỉ có thể đặt vé máy bay cho khách ngày đi và ngày về mà không có quyền chủ động lựa chọn chuyến bay, giờ bay nên khó có thể tổ chức tour theo đúng lịch trình. Mặt khác, hầu hết vé giá rẻ đều rơi vào những giờ bay thấp điểm như sáng sớm hoặc đêm khuya nên đối tượng mua tour chủ yếu là khách lẻ chứ không phải là khách đoàn. Từ góc nhìn của "người trong cuộc", ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist khẳng định: Nhiều tour hiện nay công bố giảm đến 40% nhưng không có ai kiểm tra việc giảm giá này so với cái gì, so với thời điểm nào, nếu không, rõ ràng là lừa du khách. Khách hàng rất thông minh, không phải ai cũng bị cuốn hút bởi những lời chào mời giảm giá.
"Nhìn vào thực tế sẽ thấy, nếu các hãng lữ hành chỉ trông chờ ngành hàng không giảm giá thì hiệu quả kích cầu không thể lâu bền, bởi cùng mức giá đó nhiều khách trong nước vẫn bỏ tiền ra nước ngoài du lịch. Điều này thể hiện "công cụ" kích cầu du lịch hiệu quả chưa hẳn là giảm giá, mà vấn đề mấu chốt là chất lượng dịch vụ và cách khai thác tour" - ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Về vấn đề khai thác du lịch nội địa, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai chiến lược kích cầu du lịch, trong đó tập trung cho du lịch nội địa, liên kết giảm giá sâu hơn các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, mua sắm; đồng thời triển khai đề án thu hút thị trường khách du lịch trọng điểm tại Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Malaysia và Australia. Tổng cục Du lịch với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ từng bước thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Nhật Bản và một số nước làm "cầu nối" giữa du lịch Việt Nam với thế giới.
Theo HNM
.